1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Bệnh viện Việt Đức có thiếu thuốc, vật tư?

Nam Phương

(Dân trí) - Gần đây, câu chuyện thiếu thuốc, vật tư y tế cũng trở nên nóng tại các phiên thảo luận của Quốc hội. Có ý kiến cho rằng tình trạng này vẫn đang xảy ra, thậm chí tại bệnh viện lớn như Việt Đức.

Về vấn đề này, chiều 5/11, TS.BS Dương Đức Hùng, Giám đốc Bệnh viện Việt Đức, cho biết, không riêng gì ngành y tế mà nhiều ngành khác cũng đang gặp khó khăn trong việc mua sắm đầu tư công. Ngành y cũng giống bao nhiêu ngành khác đang nỗ lực giải quyết những khó khăn này. 

Hiện một ngày bệnh viện thực hiện 250-270 ca mổ phiên, hơn 30 ca mổ cấp cứu (có ngày 40 ca). Đại đa số các trường hợp chuyển lên Bệnh viện Việt Đức phẫu thuật là ca mổ phức tạp, đòi hỏi rất nhiều vật tư. 

Bệnh viện vẫn duy trì số phòng mổ như thời điểm trước đại dịch Covid-19, 50 phòng mổ hoạt động hết công suất. 

Bệnh viện Việt Đức có thiếu thuốc, vật tư? - 1

TS.BS Dương Đức Hùng, Giám đốc Bệnh viện Việt Đức (Ảnh: Phương Hồng).

"Tuy nhiên, sau dịch, số bệnh nhân đến khám tăng đột biến, đến nay vẫn chưa giảm. Thêm vào đó, các tuyến cũng có khó khăn nhất định nên chuyển bệnh nhân lên. Điều này gây áp lực rất lớn cho bệnh viện.

Bệnh viện phải phân loại bệnh nhân, ưu tiên những trường hợp cấp cứu, bệnh nào có thể chờ thì chờ nên thời gian chờ mổ có thể dài hơn", ông Hùng lý giải. 

Về việc bệnh viện có thiếu thuốc, vật tư y tế, lãnh đạo Bệnh viện Việt Đức cho biết, có thời điểm thiếu tương đối. 

Theo ông, tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế có nguyên nhân khách quan và chủ quan. Từ trước đến nay, khi các văn bản quy định ra đời đã tiềm ẩn nguy cơ lạc hậu so với thực tế. Trong giai đoạn dịch Covid-19, thực tế biến chuyển rất nhanh nên bất cập lộ ra nhanh. Các văn bản trước kia chỉ lạc hậu thì giờ thành cản trở. 

Bên cạnh đó còn là các khó khăn do đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu. Lấy ví dụ thực tế tại chính đơn vị mình, ông Hùng cho biết, có nhiều gói trúng thầu sau thời gian thương thảo bệnh viện nhận được giấy của các hãng xin lùi thời gian giao hàng do lý do từ nước ngoài. 

Bệnh viện Việt Đức có thiếu thuốc, vật tư? - 2

Bệnh viện Việt Đức hiện ưu tiên tối đa các trường hợp mổ cấp cứu (Ảnh minh họa: N.P).

"Điều này chúng ta phải chấp nhận. Tuần vừa rồi, bệnh viện nhận được giấy của 3 hãng trúng thầu xin chậm thời gian giao hàng. Trong tình huống này, chúng tôi phải cân nhắc hình thức mua sắm khác trong trường hợp đặc biệt, tìm mặt hàng thay thế để đảm bảo công tác khám chữa bệnh", ông Hùng nói. 

Ngay từ đầu năm, Chính phủ, Bộ Y tế cũng đã rất quyết liệt để tháo gỡ các khó khăn trong vấn đề mua sắm, đấu thầu thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế. 

Tuy nhiên, theo ông Hùng, thực tế bao giờ cũng có độ trễ hơn so với văn bản vì để thực hiện một gói thầu nhanh cũng phải mất 4 tháng, thông thường là 5-6 tháng, có gói phải 8 tháng. Những thay đổi từ đầu năm thì giờ mới đơm hoa, mới có kết quả. Nhiều bệnh viện đã mua được máy, mua được vật tư… 

Hiện tại, Bệnh viện Việt Đức đảm bảo đủ thuốc, hóa chất xét nghiệm. 

"Các bệnh viện chỉ mong làm đúng"

Theo ông Hùng, trong bối cảnh hiện nay các bệnh viện chỉ mong làm đúng, không ai muốn làm sai, cái lo nhất là mình không biết mình làm chưa đúng.

Các lãnh đạo bệnh viện đều xuất phát từ người làm chuyên môn đi lên, về công tác mua sắm, đấu thầu có học thế nào thì vẫn là nghiệp dư trong khi các tình huống thầu là muôn hình vạn trạng đòi hỏi trình độ rất cao.

Dù vậy, ông thừa nhận có tâm lý e dè trong mua sắm, tuy nhiên không phải vì ngại mà không mua, ngại thì càng phải làm công tác mua sắm chặt chẽ hơn về pháp lý. 

"Chúng tôi không sợ vì cứ làm đúng theo các quy định, quyết định là của cả tập thể, không phải cá nhân. Không tinh thông về đấu thầu thì có các chuyên gia tư vấn, nên bệnh viện vẫn không quá ngại, vẫn đang tiếp tục làm các gói thầu", ông Hùng nhấn mạnh. 

Đầu tiên bệnh viện cần đánh giá tình hình vật tư, thiếu cái gì, bao lâu thì hết để đẩy nhanh việc mua sắm. Đồng thời, xem xét điều chỉnh quy chế mua sắm, công đoạn nào có thể rút ngắn để đẩy nhanh tiến độ. 

Bệnh viện Việt Đức cũng vận dụng hình thức mua sắm khẩn cấp khi cần thiết, chẳng hạn khi một vật tư rất cần cho người bệnh chỉ còn 3 ngày nữa là hết mà không có vật tư nào thay thế được. Đây là quyết định của cả tập thể, không riêng một cá nhân nào. 

Theo ông, ngành y tế là ngành cung cấp dịch vụ có điều kiện, tính chất đặc thù rất cao, vì thế để tháo gỡ một cách toàn diện căn cơ cần có các quy định mua sắm có tính chất đặc thù cho một nghề nghiệp đặc thù.

"Chúng ta đang áp dụng hình thức mua sắm thông thường cho vật tư, vật liệu có tính chất đặc thù thì kiểu gì cũng có bất cập. Ví dụ có những máy, vật tư cả thế giới chỉ có 1 hãng, cả Việt Nam cũng chỉ có 1 nhà phân phối", ông Hùng nói. 

Ông Trịnh Ngọc Hải, Phó giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương, cho biết, đến nay, bệnh viện đã thực hiện đấu thầu, mua sắm thành công hơn 50 gói thầu trang thiết bị, vật tư y tế và thuốc, cơ bản đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh, điều trị các bệnh trọng cho bệnh nhi.

Bệnh viện bày tỏ mong muốn một số vấn đề còn tồn tại trong thực hiện đấu thầu, mua sắm sẽ được các bộ, ngành liên quan tiếp tục tháo gỡ trong thời gian tới để công tác đấu thầu, mua sắm trong y tế được thuận lợi nhất, phù hợp với đặc thù.

Thời gian qua số bệnh nhân nhi đến thăm khám và điều trị tại bệnh viện này ngày càng tăng lên. Trung bình mỗi ngày bệnh viện tiếp nhận khám khoảng 5.000-6.000 bệnh nhân, trong đó có hơn 2.000 bệnh nhân điều trị nội trú.

Thường xuyên có khoảng gần 100 trẻ đang phải thở máy và 100 bé phải thở oxy.