1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Bệnh viện ở TPHCM liên tiếp ghi nhận 2 bé viêm não nguy kịch vì bệnh dại

Hoàng Lê

(Dân trí) - Chỉ trong ít ngày, một bệnh viện chuyên khoa nhi tuyến cuối ở TPHCM đã tiếp nhận hai trường hợp bệnh nhi mắc bệnh dại đã lâm vào tổn thương não nguy kịch.

Theo thông tin từ bác sĩ chuyên khoa 2 Đỗ Châu Việt, Trưởng khoa Hồi sức tích cực Nhiễm và Covid-19, Bệnh viện Nhi đồng 2 (TPHCM), hai tuần qua nơi đây đã tiếp nhận 2 trường hợp bệnh nhi mắc bệnh dại nặng.

Các bệnh nhi là hai bé trai 8 tuổi và 13 tuổi, đều ở khu vực Tây Nguyên (Gia Lai và Đắk Nông). Thời điểm nhập viện, hai cháu bé đều đã ở vào giai đoạn viêm não, tổn thương não nặng, tính mạng nguy kịch.

Bệnh viện ở TPHCM liên tiếp ghi nhận 2 bé viêm não nguy kịch vì bệnh dại - 1

Một trong hai trường hợp trẻ bệnh dại đang điều trị ở Bệnh viện Nhi đồng 2 (Ảnh: BV).

Theo chia sẻ của người nhà, trước đó các bé không kể cho gia đình biết chuyện bị chó cắn. Tuy nhiên sau khi 2 bệnh nhi có triệu chứng bệnh dại, tại khu vực quanh nhà đã phát hiện chó chết bất thường.

Sau thời gian điều trị, một trong hai trường hợp trên đã được chuyển sang Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TPHCM.

Bác sĩ Việt cho biết, bệnh dại do virus dại (Rhabdovirus) gây nên. Virus này lây từ động vật sang người qua chất tiết, thường là nước bọt. Thời gian ủ bệnh thường từ 2-8 tuần, cũng có khi kéo dài 1-2 năm, tùy thuộc vào lượng virus và độ nặng vết thương.

Người bệnh dại sẽ nhiễm virus cấp tính tại hệ thần kinh trung ương. Triệu chứng khởi đầu của bệnh gồm mệt mỏi, nhức đầu, sốt, cảm giác sợ hãi... Bước vào giai đoạn viêm não, bệnh nhân thường có biểu hiện như mất ngủ, tăng cảm giác kích thích (sợ ánh sáng, sợ tiếng động, sợ gió).

Mức độ nguy hiểm nhất là rối loạn thần kinh thực vật với đồng tử giãn, vã mồ hôi, tăng tiết nước bọt, rối loạn huyết động,….

Bác sĩ phân tích, nguồn lây bệnh dại là động vật hoang dã và cả động vật sống gần người (như chó, mèo…). Để xác định bệnh dại, bệnh nhân sẽ được làm xét nghiệm PCR virus dại trong nước bọt.

Bệnh viện ở TPHCM liên tiếp ghi nhận 2 bé viêm não nguy kịch vì bệnh dại - 2

Khi bị vật nuôi làm bị thương, cần nhanh chóng đến cơ sở y tế để chích vaccine, huyết thanh kháng dại (Ảnh: Hoàng Lê).

Bệnh dại dù vô cùng nguy hiểm nhưng phụ huynh có thể chủ động phòng tránh cho con. Theo đó, người nhà nên giúp trẻ hiểu và khai báo sớm nếu có động vật làm bị thương.

Cần rửa sạch và sát trùng vết thương, nhanh chóng đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để tiêm vaccine, huyết thanh kháng dại, tiêm ngừa uốn ván theo chỉ định của nhân viên y tế (nếu có).

Ngoài ra, cũng cần chích ngừa dại cho vật nuôi và diệt ổ bệnh khi phát hiện, theo dõi sát những vật nuôi chưa phát bệnh trong ổ. Những người tiếp xúc thường xuyên với động vật, như nhân viên thú y, kiểm lâm cũng cần chích ngừa định kỳ.

Bác sĩ nhấn mạnh, chó mèo không chỉ cắn mới gây bệnh dại mà có rất nhiều ngõ vào của virus dại. Do đó, khi bị cắn, cào, liếm vào vết thương, nhất là những trường hợp bị tấn công ở vùng nguy hiểm như đầu, mặt, cổ, đầu chi, bộ phận sinh dục đều phải đi kiểm tra và chích ngừa ngay.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm