Thanh Hóa:
Bệnh viện Nhi Thanh Hóa có “móc túi” bệnh nhân?
(Dân trí) - Lãnh đạo Bệnh viện Nhi Thanh Hóa cho biết giá một con dao plasma để cắt amidan là 5.300.000đ. Thế nhưng, theo phản ánh của bệnh nhân, cứ 4 bệnh nhân chung tiền mua một con dao này lại bị thu 1.500.000đ/bệnh nhân.
Thu dư để “bù trừ”
Theo phản ánh của một số bệnh nhân đang điều trại tại Khoa Tai- Mũi –Họng, Bệnh viện Nhi Thanh Hóa, khi họ đưa con đến để cắt amidan hoặc nạo VA thì được bác sĩ ở Bệnh viện Nhi tư vấn có hai phương pháp. Dùng phương pháp nạo bằng thìa thì bệnh nhân bị đau hoặc ra máu, phải kiêng còn phương pháp cắt, nạo bằng dao plasma thì ít ra máu, đỡ đau…
Do dao plasma không nằm trong danh mục bảo hiểm chi trả nên người nhà bệnh nhân chọn cách cắt hoặc nạo VA cho con bằng dao plasma sẽ phải đóng tiền mua dao. Các bác sĩ bệnh viện này cũng cho biết, nếu gia đình muốn con họ được dùng riêng một con dao thì bỏ ra 5.300.000đ để mua. Còn những gia đình muốn chung với các gia đình khác thì cứ 4 gia đình mua chung một con và mỗi gia đình sẽ đóng 1.500.000đ.
Một chị có con đang điều trị tại Khoa Tai- Mũi – Họng cho biết: “Tôi nghe các bác sĩ nói dùng cách thông thường đau, chảy máu nhiều mà cách dùng dao plasma thì hiện đại, đỡ đau, đỡ ra máu nên khó khăn mấy cũng phải cố đóng mà làm cho con. Do khó khăn nên tôi chọn cách dùng chung với 3 nhà còn lại. Thế nhưng, điều tôi phân vân là bác sĩ nói nếu mua dao mới thì có giá 5.300.000 đ . Nhưng khi có 4 nhà chung nhau thì mỗi gia đình đóng 1.500.000đ thì tổng số tiền lên đến 6 triệu đồng”.
Như vậy, chỉ cần làm một phép tính đơn giản sẽ thấy số tiền dôi dư từ việc đóng tiền mua dao plasma của bệnh nhân không hề nhỏ.
“Họ không cho chúng tôi được nhìn thấy con dao khi bóc tem nên chẳng có gì đảm bảo con dao mà con chúng tôi được dùng là con dao chỉ cắt cho 4 bệnh nhân. Không thể tránh khỏi trường hợp con dao đó cắt cho nhiều bệnh nhân hơn trong một ngày”, một người nhà bệnh nhân nghi ngờ.
Được biết, mỗi ngày Khoa Tai-Mũi-Họng phẫu thuật, cắt nạo cho không phải dừng lại ở con số 4 bệnh nhân. Trong khi con dao plasma này được sử dụng vô trùng trong vòng 24 giờ.
Trao đổi về vấn đề trên, ông Vũ Xuân Đồng, Trưởng Khoa Tai-Mũi –Họng, Bệnh viện Nhi Thanh Hóa cho biết: “Cắt amidan bằng dao plasma là được sự thỏa thuận của người nhà. Người nhà chọn phương pháp này thì sẽ phải đóng tiền vì bảo hiểm không chi trả. Phương pháp này mang lại nhiều ưu việt cho người bệnh. Việc bệnh nhân phản ánh cứ 4 bệnh nhân thì chung một con dao mà lại đóng 1.500.000đ thì đó là để bù trừ cho những ca không may bị cháy dao phải mua dao khác”.
Khi PV đề xuất tiếp cận phiếu xuất 3 con dao trong ngày gần nhất là ngày 21/4 vì ngày 21/4 có 11 bệnh nhân được cắt, nạo. Tuy nhiên, ông Đồng cho biết cái này do bộ phận kế toán lưu giữ. Ông không có gì để minh chứng cho việc ngày 21/4 có 11 cháu và được sử dụng 3 con dao plasma.
Ông Dương Văn Hùng, Giám đốc Bệnh viện Nhi cho rằng việc thu phí mua dao như thế này chỉ “sân siu” thôi. Tuy nhiên, ông cũng khẳng định sẽ cho kiểm tra lại số tiền chênh lệnh mà bệnh viện thu của bệnh nhân.
“Quên hồ sơ bệnh nhân như chúng ta ra đường quên bằng lái xe”
Vào ngày 21/4, có hai trường hợp bệnh nhân cắt amidan tại Khoa Tai-Mũi - Họng nhưng đến giây phút cuối cùng khi con họ được đưa vào phòng phẫu thuật, bác sĩ còn ra hỏi người nhà bệnh nhân rằng con họ cắt amidan hay nạo VA. Khi được người nhà trả lời tất cả đã được ghi trong hồ sơ thì được y bác sĩ ở đây yêu cầu về Khoa hỏi. Điều này gây bức xúc cho gia đình bệnh nhân.
“Con tôi đã vào nhập viện làm tất cả các xét nghiệm để cắt amidan và nạo VA. Mọi thứ đã được ghi vào hồ sơ thế nhưng không hiểu sao khi con tôi vào phòng gây mê được 20 phút, bác sĩ còn ra hỏi là cháu nạo VA hay cắt amidan. Tôi đã khẳng định với họ là con tôi làm cả hai và đã được ghi trong hồ sơ, tại sao đến giây phút này bác sĩ còn hỏi thì họ nói họ không biết và yêu cầu tôi về Khoa hỏi. Tôi về Khoa Tai-Mũi- Họng gặp bác sĩ hỏi vì sao đến bây giờ ê-kip phẫu thuật cho con tôi còn không biết con tôi cắt amidan hay nạo thì được bác sĩ trả lời, hiện tại hồ sơ bệnh án không có đây nên chúng tôi không giải thích gì thêm”, người nhà bệnh nhân bức xúc.
Điều đáng nói, không chỉ có một trường hợp mà trong ngày 21/4 có đến hai trường hợp cho đến lúc phẫu thuật, bác sĩ không nắm được bệnh nhân làm gì.
Về việc này, ông Đồng cho hay, trước khi bệnh nhân lên phẫu thuật, Khoa đã đưa toàn bộ hồ sơ lên. Tuy nhiên, phía gây mê họ không nắm được là do phía họ. “Cũng có thể các bác sĩ muốn thẩm định lại cho chắc chắn nên mới hỏi”, ông Đồng nói.
“Về nguyên tắc khi lên phòng mổ phải có hồ sơ bệnh án. Thế nhưng đôi khi do sơ suất mà bác sĩ chưa mang lên kịp nên phía ê kip mổ không nắm được. Đây là thiếu sót của y bác sĩ. Tuy nhiên, không ảnh hưởng gì đến bệnh nhân. Bác sĩ cũng có lúc quên cũng như chúng ta ra đường quên mang bằng lái xe thôi”, ông Dương Văn Hùng - Giám đốc Bệnh viện Nhi nêu quan điểm.
Nguyễn Thùy