Bệnh viêm họng: Có khi đau đến tận... tim
Những cơn đau ở họng ít ai ngờ lại có thể dẫn đến những biến chứng nguy hiểm ảnh hưởng đến tận tim, thận hay xương.
Những ca bệnh nguy hiểm
Mới đây, BV Nhi Đồng 1 đã cấp cứu một bé gái 13 tuổi ở Thủ Đức bị viêm họng cấp hết sức nghiêm trọng. Bệnh nhi nhập viện trong tình trạng bị phù mí mắt, tức ngực, khó thở, sau năm ngày được gia đình tự điều trị bằng uống thuốc mua ngoài nhà thuốc. Kết quả xét nghiệm máu và nước tiểu cho thấy bé gái bị suy thận cấp, kèm phù phổi do liên cầu khuẩn Streptococcus. Để khống chế nguy cơ tử vong cho bệnh nhân, các bác sĩ đã áp dụng phác đồ điều trị gồm các loại thuốc lợi tiểu, hạ huyết áp và tăng sức bóp cơ tim. Sau hai ngày điều trị liên tục, bé gái này mới dần cải thiện sức khoẻ nhưng em hiện phải chuyển đến khoa thận để tiếp tục điều trị.
Ở bệnh viện Tai mũi họng Sài Gòn cũng có một trường hợp đang được các bác sĩ theo dõi sát. Bệnh nhân 29 tuổi ở Nhà Bè, nhập viện trong tình trạng sốt, đau họng, khàn tiếng suốt hơn 5 tuần. Sau khi xét nghiệm, soi tươi mảng giả mạc ở thanh quản, các bác sĩ phát hiện bệnh nhân bị nhiễm nấm aspergillus thanh quản nguyên phát.
Theo GS-BS Nguyễn Văn Đức, Giám đốc bệnh viện, các loại nấm gây bệnh (phổ biến nhất là nấm candida và nấm aspergillus) thường có sẵn trong tự nhiên, ký sinh ở động vật hay người. Bào tử nấm khi xâm nhập vào cơ thể người qua đường hô hấp sẽ gây viêm họng. Ở người có sức đề kháng tốt, bệnh sẽ lui dần sau ba, bốn ngày. Nhưng cũng có trường hợp xảy ra bội nhiễm, bệnh biến chứng sang viêm tai, viêm mũi, viêm phế quản. “Nấm thanh quản có thể được chữa khỏi hoàn toàn nếu điều trị sớm. Ngược lại có thể nguy hiểm đến tính mạng do nấm lan đến các cơ quan khác”, bác sĩ Đức khuyến cáo.
Nặng hơn vì lạm dụng thuốc
Theo TS. BS Nguyễn Thanh Hùng, Phó giám đốc bệnh viện Nhi Đồng 1, bệnh viêm họng nếu phát hiện chậm và xử lý không đúng cách có thể gây biến chứng thấp tim, viêm khớp, viêm thận. Khoảng 80 - 90% số ca mắc bệnh là do nhiễm các loại vi rút, còn lại là do vi khuẩn.
“Đa số các ca bệnh nhi bị viêm họng nặng đều có dính đến chuyện bố mẹ tự cho uống kháng sinh. Như thế là sai lầm vì với đa số các trường hợp do virus, dùng kháng sinh vô ích, thậm chí còn làm tăng nguy cơ nhờn thuốc trong những lần ốm sau”, bác sĩ Hùng cho biết.
Theo khuyến cáo của ông, khi trẻ bị ho do viêm họng, thời kỳ ban đầu, phụ huynh chỉ nên tăng sức đề kháng bằng chế độ ăn và bổ sung sinh tố, dùng thuốc hạ sốt (nếu sốt cao), xi rô ho hoặc các loại thuốc nam chữa ho (nếu ho nhiều). Sau vài ngày, nếu không đỡ, phải đưa trẻ đến bác sĩ để được chỉ định kháng sinh.
Ngoài ra, thời tiết thay đổi, ô nhiễm môi trường, khói thuốc, rượu, hoá chất… cũng có thể là tác nhân gây viêm họng. Việc sử dụng máy lạnh, quạt máy không hợp lý cũng dễ dẫn đến viêm họng. Máy lạnh chỉ nên để ở mức 24 - 27oC, không cho phả trực tiếp vào người. Quạt máy nên mở vừa phải, đồng thời dùng khăn lau mồ hôi thường xuyên.
Cũng theo bác sĩ Hùng, rất nhiều người khi nóng bức có thói quen uống nước đá. Nếu uống đột ngột sẽ khiến nhiệt độ ở vùng họng bị giảm quá nhanh, gây đau rát, dẫn đến viêm họng. “Tốt nhất chỉ nên uống nước mát và uống từ từ từng ngụm nhỏ. Khi đó, cảm giác khát và háo sẽ giảm đi đáng kể”, bác sĩ Hùng khuyến cáo.
Theo Vĩnh Huy
Sài Gòn tiếp thị