Bệnh viêm da do ấu trùng sán máng
(Dân trí) - Ở nước ta, bệnh viêm da do nhiễm ấu trùng sán máng ở những vùng chăn nuôi vịt ít khi được chú ý, quan tâm và không biết rõ được nguyên nhân cụ thể.
Biểu hiện của viêm da do sán máng
Bệnh viêm da, dị ứng do nhiễm ấu trùng sán máng vịt thường gặp ở nước ta được phát hiện ở những vùng có chăn nuôi vịt. Tác nhân gây bệnh là loại ấu trùng đuôi sán máng vịt Trichobilhazria sp. và sán máng của một số loài động vật khác như Schistosomatium sp.
Sau khi ấu trùng đuôi chui vào da vài giờ, bệnh nhân bị ngứa dữ dội, da phù nề, nổi mẩn đỏ thành từng đám rộng. Do bị phản ứng ngứa, gãi nhiều nên dễ bị nhiễm trùng. Thực chất đây chỉ là một hiện tượng dị ứng của cơ thể, những chỗ da nổi mẩn đỏ sau một tuần sẽ tự biến mất.
Ngoài vịt, ấu trùng đuôi phát triển từ loại sán máng trưởng thành ký sinh ở loài chim cũng có thể xâm nhập qua da của những người thường hay bơi lội. Sau khi ấu trùng đuôi xâm nhiễm vào da, chúng sẽ bị chết trong da gây phản ứng dị ứng và ngứa. Tình trạng này hay gặp ở những khu vực có khí hậu ôn hòa và thường thấy ở những người hay tắm,
bơi lội trong nước ngọt, nước lợ, thậm chí cả nước mặn; nơi đó có loại chim mang mầm bệnh thải phân có trứng sán máng vào nguồn nước; đồng thời tại thủy vực này có các loại ốc là vật chủ phụ thích hợp sinh sống để trứng sán máng phát triển thành ấu trùng lông và ấu trùng đuôi bơi lội tự do trong nước xâm nhập vào da người để gây bệnh.
Khi bị viêm da, dị ứng do nhiễm ấu trùng sán máng; có thể điều trị bằng các thuốc chống dị ứng; nếu bị nhiễm trùng có thể sử dụng thuốc kháng sinh phù hợp. Theo kinh nghiệm dân gian, để phòng bệnh viêm da, dị ứng khi lội xuống ao chăn nuôi vịt hoặc bơi lội ở ao hồ có khả năng hiện diện của ấu trùng sán máng; cần bôi lên da mỡ rái cá hoặc các loại dầu, mỡ có tác dụng xua ấu trùng đuôi nhằm bảo vệ da không cho ấu trùng xâm nhập.
TTƯT.BS. Nguyễn Võ Hinh