1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Bệnh vẩy nến làm tăng nguy cơ mắc nhiều bệnh ung thư

(Dân trí) - Trong số các bệnh nhân bị vẩy nến, nguy cơ mắc ung thư da, thực quản, gan và tụy đặc biệt cao.

Nghiên cứu mới đây cho thấy xu hướng gia tăng nguy cơ mắc ung thư ở những trường hợp bị vẩy nến. Nghiên cứu được đăng trên tạp chí JAMA Dermatology.

Các chuyên gia đã xem xét dữ liệu từ 58 nghiên cứu và thấy rằng so với những người không mắc bệnh thì bệnh vẩy nến ở bất kỳ mức độ nghiêm trọng nào đều tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư lên 28% và là 20% nếu bị bệnh vảy nến nặng. Tỷ lệ tử vong do ung thư cũng tăng cao trong tất cả những trường hợp bị vẩy nến nặng.

Bệnh vẩy nến làm tăng nguy cơ mắc nhiều bệnh ung thư - 1

Đối với một loại ung thư cụ thể, nguy cơ này thậm chí cao hơn. Chẳng hạn, các nhà khoa học nhận thấy ở người bị bệnh vẩy nến nặng, nguy cơ mắc ung thư biểu mô tế bào vảy tăng gấp 11 lần, nguy cơ mắc ung thư gan và ung thư thực quản tăng gấp đôi và nguy cơ bị ung thư tuyến tuỵ tăng 45%.

Bất kỳ mức độ nào của bệnh cũng liên quan đáng kể đến ung thư đại trực tràng, ung thư hạch không Hodgkin, ung thư thận…

Họ vẫn chưa lý giải được điều nay song mối liên hệ giữa bệnh mãn tính và ung thư có thể giúp giải thích điều nay.

Alex M. Trafford, Đại học Manchester, tác giả chính của nghiên cứu, cho biết những người mắc bệnh vẩy nến có xu hướng hút thuốc nhiều hơn, nặng cân hơn và uống nhiều rượu hơn. Ông cho rằng duy trì một lối sống lành mạnh tạo ra sự khác biệt lớn trong mối nguy cơ này.

Bệnh vảy nến là bệnh da rất thông thường, liên quan đến yếu tố di truyền và rối loạn miễn dịch, gặp ở mọi lứa tuổi. Bệnh tiến triển lâu dài, hay tái phát nhưng lành tính. Đến nay các nhà khoa học chưa tìm ra nguyên nhân chính xác gây bệnh, nên chưa thể dự phòng hoàn toàn. Nhưng khi phát hiện sớm và điều trị đúng có thể hạn chế bệnh, làm giảm mất thẩm mỹ, bệnh có thể ổn định và thuyên giảm.

Các biện pháp dự phòng yếu tố khởi phát cũng đóng một vai trò quan trọng trong điều trị vảy nến. Liệu pháp tâm lý, tránh stress là cần thiết. Bệnh nhân cần biết nên “chung sống hòa bình” với bệnh, tránh bi quan và có lối sống lành mạnh, sinh hoạt phù hợp, tránh các yếu tố bất lợi làm bệnh dễ tái phát để đạt được ổn định lâu dài.

Vẩy nến là bệnh da mạn tính, thường gặp và hay tái phát. Ước tính 1-5% dân số Việt Nam mắc bệnh vẩy nến, tương đương có ít nhất 1-2 triệu người bệnh. Đây là bệnh lành tính, ít nguy hiểm tới tính mạng nhưng ảnh hưởng nặng nề tới tâm sinh lý, thẩm mỹ người bệnh. Biểu hiện trên da thường xuất hiện nốt đỏ càng ngày càng lan rộng ra khắp toàn thân, bong vảy gây mất thẩm mỹ. Vì thế người bệnh thường tự ti, ít giao tiếp với cộng đồng. Đây là bệnh không lây.

Hiện bệnh chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, nhưng nếu được khám, phát hiện có biện pháp điều trị giúp bệnh thuyên giảm, ổn định, lâu dài có thể một năm, nhiều năm. Nếu tái phát lại điều trị.

Điều trị bệnh vẩy nến còn nan giải, có rất nhiều loại thuốc, nhiều phương pháp được áp dụng, song chưa có loại nào chữa bệnh khỏi hẳn được, mới dừng lại ở mức làm bệnh đỡ, tạm khỏi về lâm sàng, hạn chế tái phát, một số loại thuốc nhiều tác dụng phụ độc hại, đắt tiền... Sau khi điều trị bệnh đỡ, tạm khỏi về lâm sàng, cần cho bệnh nhân phác đồ điều trị duy trì và phòng tránh tái phát.

Hà An (theo NewYork Times)