Bệnh tương tư
Tương tư không phải là một bệnh thực thể. Nguyên nhân của nó là sự nhớ nhung mòn mỏi quay quắt, day dứt, bồn chồn, với một tâm trạng lo lắng không yên, một nỗi đam mê kéo dài vô vọng. Theo y học, tương tư là một dạng stress.
Y học hiện đại chia stress làm ba giai đoạn. Ở mỗi giai đoạn có những diễn biến khác nhau, việc điều trị sớm sẽ tránh được những hậu quả hoặc những chấn thương tâm lý tai hại. Với bệnh tương tự thì:
Giai đoạn báo động: Là sự lo lắng, cảm giác bất an, hồi hộp, tim đập nhanh, tăng nhịp thở, tăng huyết áp... gây thay đổi tâm lý và lối sống.
Giai đoạn chống đỡ: Mối lo lắng và tuyệt vọng đã trở thành một nỗi ám ảnh thường xuyên, dần dần sẽ làm bệnh nhân suy nhược tinh thần lẫn thể chất, người ta thường gọi giai đoạn này là tương tư.
Giai đoạn stress: Bệnh lý đồng nghĩa với bệnh tương tư. Các rối loạn tâm thần, rối loạn cơ thể và tập tính xuất hiện hoặc cấp diễn hoặc tạm thời, hoặc nhẹ hoặc kéo dài, suy kiệt và có thể đưa đến tử vong bởi các bệnh cơ hội khác.
Y học hiện đại cho rằng, stress là bất kỳ nhân tố nào đe dọa đến sức khỏe hay tác động có hại đến các chức năng của cơ thể như bị tổn thương, bệnh hay lo âu… Bị stress liên tục, cơ thể sẽ có các phản ứng sinh học nhằm đảm bảo sự sống của mình bằng cách tiết ra các chất gọi là kích thích tố của stress; đặc biệt là có sự gia tăng prolactin. Kích thích tố stress dần dần sẽ làm rối loạn đáng kể vô số chức năng sinh lý, kéo theo sự sa sút trầm trọng về tâm lý, làm xáo trộn hệ thống miễn dịch, hệ thống thần kinh giao cảm và đối giao cảm. Bệnh tương tư cũng vậy.
Bệnh tương tư được mô tả điển hình trong truyện Phan Trần, một một truyện lấy sự tích ở Trung Quốc, đời nhà Tống. Truyện như sau: Phan Công, Trần Công là bạn học, lại cùng làm quan một chiều. Hai phu nhân cùng mang thai, họ Phan sinh con trai là Phan Sinh, họ Trần sinh con gái là Kiều Liên. Họ hứa gả con cho nhau. Khi hai trẻ lớn lên, hai ông cùng xin về hưu, mỗi người mỗi ngả.
Phan Sinh lớn lên, đi thi hương đỗ đầu, nhưng thi hội lại trượt nên không về nhà, quyết học để đỗ kỳ sau. Trong khi đó, Kiều Liên mồ côi cha, quê nhà có giặc phải chạy loạn, mẹ con lạc nhau. Nàng đến tu tại một ngôi chùa ở Kim Lăng, lấy pháp danh Diệu Thương. Khi ở chùa, nàng nhớ mẹ và tưởng đến vị hôn phu, thường ủ rũ buồn rầu, nhờ có sư thầy khuyên giải nên cũng nguôi dần.
Phan Sinh du học tại thành đô, sực nhớ có người cô tu ở Kim Lăng, bèn đến thăm. Anh thấy Diệu Thường “tầm thước trẻ trung” thì phải lòng, mượn bà vãi là Hương Công làm mối. Diệu Thường cự tuyệt, chàng thất vọng thành ra ốm tương tư. Phan Sinh ốm nặng, khi Diệu Thường nể lời sư cô tới thăm hỏi thì mười phần bỗng khỏi hết chín. Tối hôm đó, chàng ôm bệnh đến gõ cửa phòng Kiều Liên đòi vào tạ ơn; nàng sợ chàng quá liều, phải mở cửa cho vào. Qua mấy lời trao đổi, họ nhận ra nhau nhưng vì lễ giáo ở chùa, nên vẫn giữ kín. Sau Phan Sinh đỗ thám hoa, hai người thành vợ chồng.
Theo Sức Khỏe & Đời Sống