Bệnh trầm cảm ngày càng phổ biến
Ra khỏi nhà đi làm nhưng bạn cảm thấy lo lo, cho rằng quên đóng cửa trên lầu, quên tắt đèn, tắt quạt... Bạn mở cửa chạy vào để rồi... phí công vì thực ra không quên gì cả! Trường hợp trên nếu cứ xảy ra liên tục thì hãy coi chừng, có thể bạn đã mắc bệnh trầm cảm!
Anh Văn Thành (38 tuổi) đang làm quản đốc cho một công ty tại TP HCM thì được một công ty khác lớn hơn mời với mức lương rất hấp dẫn. Về công ty mới, anh luôn ở trong tình trạng bị áp lực đè nặng; đầu óc lúc nào cũng phải suy nghĩ, hoạch định những chiến lược mới để phát triển công ty. Anh không thể giải quyết nhanh mớ công việc bộn bề như ý mình đã định, đầu óc luôn "căng" ra khiến anh cứ nhớ trước, quên sau.
Sau đó, tình trạng khó ngủ bắt đầu xuất hiện khiến thể trạng anh ngày càng suy sụp. Bị chủ than phiền, đồng nghiệp xem thường, Thành chán nản, phiền muộn... và cuối cùng phải vào viện để khám.
Còn chị Ngọc Quỳnh (32 tuổi, ngụ ở TP HCM) nghỉ việc ở nhà làm nội trợ sau khi sinh đứa con đầu lòng. Quỳnh thường bị "sức ép" từ gia đình chồng, lại không được chồng chia sẻ nên cảm thấy mình bị xem thường. Chị bắt đầu xuất hiện tâm trạng hay buồn bã, chán nản. Cho đến một hôm, do bị cảm sốt nhẹ, Quỳnh hỏi tiền chồng để đi khám bệnh thì bị mắng là "ở nhà mà cũng bệnh!" Giọt nước làm tràn ly, câu nói ấy đã đẩy chị đến bệnh trầm cảm. Khi vào Bệnh viện Tâm thần, Quỳnh cho biết, lúc ấy chị đã có ý định tự tử!
Bác sĩ Phạm Văn Trụ, Trưởng khoa Khám bệnh 1, Bệnh viện Tâm thần TP HCM cho biết: Trong số 765 bệnh nhân đến khám tại bệnh viện trong tháng 8 vừa qua, có đến 222 trường hợp bị lo âu trầm cảm. Họ là các "sếp", giáo viên, chủ doanh nghiệp, học sinh, sinh viên và cả người nội trợ...
Họ luôn có những cơn lo sợ ập tới, sợ dơ bẩn nên cứ rửa tay liên tục trong ngày (có trường hợp rửa tay mấy chục lần/ngày), sợ bụi một cách quá đáng hoặc luôn bị ám ảnh sợ mỗi khi đi làm, ra khỏi nhà rồi nhưng lại cứ lo lắng, nghĩ rằng chưa đóng cửa trên lầu, chưa tắt quạt, tắt đèn...
Nhiều học sinh đến khám có bố mẹ là những người có trình độ, hiểu biết rộng và không hề tạo áp lực học tập đối với con mình. Nhưng các em vẫn không tránh được bệnh do "tự thân phấn đấu quá mức mà ra". Đáng sợ nhất là khi người bệnh có ý nghĩ muốn tự tử. Nhiều người tự tử được cứu sống, khi tỉnh lại họ cũng không hiểu vì sao mình làm như vậy.
Trong cuộc sống có những lúc do căng thẳng, ai đó cũng có thể có biểu hiện của bệnh trầm cảm thoáng qua. Nếu những áp lực, nguyên nhân gây bệnh kéo dài thường xuyên thì sẽ dẫn đến bệnh trầm cảm thật sự. Vì thế, sau những lúc bị căng thẳng quá sức, cần có thời gian thư giãn bằng việc nghỉ ngơi ngắn, nghe nhạc hay chơi một môn thể thao nào đó... để "xả" căng cho đầu óc.
Theo Thanh Niên