TPHCM:

Bệnh sởi có nguy cơ lây lan trên diện rộng

(Dân trí) - Sau nhiều năm tạm lắng, bệnh sởi bất ngờ quay lại tấn công trẻ em, mỗi ngày trên địa bàn thành phố hàng chục trẻ phải nằm viện điều trị. Nếu không kịp thời ngăn chặn, khi thời tiết chuyển mùa, bệnh có nguy cơ lây lan trên diện rộng.

Phụ huynh hối hận vì không mang con đi chích ngừa

Ngồi ôm cô con gái Nguyễn Hoàng M.T. (4 tuổi) đang quấy khóc, ban đỏ nổi khắp người, chị Phạm Thị H. (ngụ quận Bình Tân) cho biết: “Ba ngày trước, tôi đón con từ trường mầm non về thì thất cháu có biểu hiện sốt, nhức đầu, đau mình… Sau khi cho con uống thuốc hạ sốt nhưng không đỡ, tôi đưa bé đến phòng mạch tư kiểm tra thì bác sĩ cho biết cháu bị sốt phát ban và tiếp tục cho thuốc về uống. Nhưng bệnh tình của con vẫn không thuyên giảm, bé sốt gần 400C nên gia đình quyết định chuyển bé đến bệnh viện Nhi Đồng 1. Sau khi thăm khác bác sĩ yêu cầu cháu phải nhập viện vì bệnh sởi có nguy cơ biến chứng”.

Bé M.Q. nhiễm bệnh vì không được phụ huynh đưa đi chích ngừa
Bé M.Q. nhiễm bệnh vì không được phụ huynh đưa đi chích ngừa

Nói về nguyên nhân khiến con mình nhiễm bệnh, chị H. chia sẻ: “Trước đây, do vợ chồng tôi quá bận làm ăn nên ít có thời gian chăm sóc con. Khi vào viện, bác sĩ hỏi cháu đã được chích ngừa sởi hay chưa tôi mới giật mình vì chưa đưa con đi tiêm ngừa loại vắc-xin này.”

Ngoài những nguyên nhân do bận công việc, do quên hoặc không để ý đến việc phải chích ngừa cho trẻ còn có cả những người mẹ dù biết nhưng vẫn quyết tâm không mang con đi tiêm phòng vì sợ. Chị Lê Thị T.A. mẹ cháu Nguyễn Lê M.Q. (14 tháng tuổi, ngụ tại Bình Tân) chia sẻ: “Thấy báo đài liên tục đưa thông tin về các trường hợp tử vong do tiêm phòng, vợ chồng tôi rất hoang mang nên quyết định không chích ngừa cho bé. Từ khi sinh đến giờ con tôi mới chỉ chích lao và uốn ván”.

Nỗi sợ của người lớn đã khiến trẻ thơ phải gánh hậu quả, ngày 12/1 bé M.Q. lên cơn sốt cao, sưng mắt, đổ ghèn, chảy mủ tai… cháu lên cơn co giật khiến gia đình tá hỏa. Tại bệnh viện, bác sĩ kết luận bệnh nhi mắc sởi thời kỳ “khởi phát” với tình trạng nặng. Sau nhiều ngày điều trị, bé M.Q. nổi ban đỏ khắp người, những cơn sốt dần dịu lại nhưng cháu có nguy cơ bị giảm thính lực. “Chỉ vì sự hoang mang thiếu cơ sở, vợ chồng tôi đã đẩy con mình vào tình trạng đau bệnh.” Người mẹ trẻ ân hận.

Bệnh có nguy cơ lây lan trên diện rộng

Theo thống kê của phòng Kế hoạc tổng hợp, bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới, từ khoảng đầu tháng 12 đến nay bệnh viện đã tiếp nhận và điều trị cho 65 trường hợp mắc bệnh sởi. Số ca bệnh đến khám và điều trị tại bệnh viện đang có biểu hiện tăng dần. Tại bệnh viện Nhi Đồng 2, thời gian từ cuối tháng 12/2013 trở về trước số cả bệnh nhập viện chỉ lẻ tẻ mỗi tháng vài ca, nhưng từ đầu tháng 1 đến nay, số ca bệnh đang tăng dần với khoảng 5-10 trường hợp đến khám và điều trị mỗi ngày.

Bệnh có nguy cơ lây lan rộng n
Bệnh có nguy cơ lây lan rộng nếu không có biện pháp ngăn chặn 

Điểm nóng nhất của bệnh sởi đang tập trung tại bệnh viện Nhi Đồng 1. BS Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm cho biết: “Khoảng một tháng nay, trung bình mỗi ngày tại khoa tiếp nhận và điều trị cho khoảng 15-20 trẻ mắc bệnh sởi. Trẻ này chưa kịp xuất viện thì trẻ khác đã phải nhập viện, nhiều trường hợp gặp biến chứng nặng như viêm phổi, viêm tai giữa, viêm kết mạc mắt… phải nằm thở máy. Số ca nhập viện do loại bệnh này đến nay đã hơn 100 trường hợp nhưng vẫn chưa có dấu hiệu thuyên giảm”.

Đặc biệt, tại bệnh viện đã tiếp nhận nhiều trẻ còn dưới 9 tháng (chưa đến thời điểm chích ngừa sởi). Theo phân tích của BS Hữu Khanh, thực tế trên cho thấy mầm bệnh đang lưu hành trong cộng đồng những trẻ chưa được chủng ngừa, sức đề kháng yếu rất dễ bị bệnh tấn công. Sởi là bệnh truyền nhiễm lây chủ yếu qua đường hô hấp, tốc độ lây lan nhanh chủng ngừa là biện pháp tốt nhất để phòng bệnh. Để đạt hiệu quả phòng bệnh, tính miễn dịch quần thể trong cộng đồng phải đạt 94% mới có thể cắt đứt sự lây truyền của bệnh.

Trẻ cần được chích ngừa sởi khi được 9 tháng tuổi, sau đó chích lại mũi 3 trong 1 (sởi, quai trị rubella) khi đầy năm tuổi để đạt hiệu quả phòng bệnh tốt nhất. BS Trương Hữu Khanh nhận định, bệnh đang rải rác ở nhiều khu vực nên sẽ gây khó khăn cho công tác khoanh vùng để phòng ngừa. Vào thời điểm giữa tháng 2 và tháng 3 thời tiết chuyển từ lạnh sang nóng sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho bệnh sởi lây lan. Nếu ngành y tế không có biện pháp can thiệp kịp thời hiểm họa từ bệnh sởi đối với trẻ sẽ rất khó lường.

Vân Sơn