Bệnh rối loạn ăn uống
(Dân trí) - Một số người trong chúng ta, do mặc cảm với vẻ ngoài đến mức ám ảnh mà dần dần có những hành động hủy hoại hay đe dọa chính cuộc sống của mình.
Các loại rối loạn ăn uống
Hình ảnh dễ gặp nhất của chứng biếng ăn là thái độ thờ ơ hay kinh sợ của các thiếu nữ mặc dù trông họ như vừa trải qua nạn đói kém nào đó. Tuy nhiên, dáng vẻ không phải là biểu hiện rõ nhất của chứng rối loạn ăn uống. Một người bị mắc chứng này vẫn có thể duy trì được mức cân nặng lý tưởng và những dấu hiệu đáng ngờ ít được chú ý trong nhiều năm. Điều này cũng thường gặp trong các trường hợp ăn vộ độ.
Giống như chứng biếng ăn, ăn uống vô độ khởi nguồn từ những ám ảnh làm sao có được thân hình thon thả. Thay vì không ăn, những người này lại lao vào các cuộc chè chén say sưa và ăn không ngừng hoặc tập luyện quá mức. Khi kéo dài, chứng bệnh này sẽ là nguyên nhân dẫn tới nhịp tim không đều, các bệnh liên quan tới thận và bị mòn men răng.
Muốn họ ngừng ăn uống thì cách duy nhất là phải ép buộc. Chứng bệnh ăn không ngừng này khác với chứng cuồng ăn vô độ ở chỗ, sau khi đánh chén no say họ vẫn tiếp tục ăn, ăn đến khi không còn gì để gắp. Nhiều người trong số họ bất lực với chính nỗi thèm ăn của mình và tất nhiên họ luôn phải đối mặt với các vấn đề sức khỏe, chẳng hạn như chứng thừa cân, béo phì.
Nguyên nhân
Bệnh biếng ăn thường bắt đầu ở lứa tuổi thiếu niên và có thể là hậu quả của những lần sang chấn tinh thần do bị lạm dụng hoặc mất niềm tin. Bệnh có nhiều điểm chung với chứng cuồng ăn.
Những người bị bệnh biếng ăn thường sợ béo và hạn chế tối đa các thực phẩm đưa vào cơ thể. Tham vọng kiểm soát trọng lượng cơ thể lấn át tất cả mọi cảm xúc và trong mắt họ, kẻ thù số 1 cản bước chính là thực phẩm.
Ăn không ngừng thì hơi khác nhưng cũng là nỗi ám ảnh về cân nặng và vóc dáng và phản ứng thông thường khi dạ dày bị nhồi quá mức là nôn mửa và phải nhờ tới sự hỗ trợ của thuốc nhuận tràng.
Dấu hiệu bệnh
- Thất bại hoặc thất vọng với kết quả tập luyện.
- Tránh các thực phẩm giàu cacbon hydrate.
- Buồn rầu, chán nản.
- Vòng kinh không đều hoặc ngừng
- Thiếu hứng thú trong tình dục
Những người bị mắc chứng biếng ăn thường gầy còm và có thể có các triệu chứng chuyển hóa kém, xương dễ gãy, thiếu sức sống, hay choáng ngất, hoa mày chóng mặt, bị mất nước và thận bị tổn thương. Hậu quả của tình trạng dinh dưỡng kém trong một thời gian dài có thể gây rối loạn nhịp tim, bệnh huyết áp thấp và giảm thân nhiệt. Điều quan trọng là phải tới các cơ sở khám chữa bệnh chuyên khoa càng sớm càng tốt trước khi các bệnh tật này xuất hiện.
Chứng bệnh nào phổ biến
Mặc dù chán ăn là một chứng bệnh nhận được sự quan tâm của y học nhất nhưng cuồng ăn mới thực sự là căn bệnh phổ biến. Bệnh gặp chủ yếu ở chị em và chủ yếu ở tầng lớp trung lưu và da trắng. Hiện có khoảng 1 - 2% phụ nữ trong độ tuổi 15 - 40 bị chứng cuồng ăn.
Ước tính có khoảng 1 - 5 thiếu nữ/100.000 dân bị chứng biếng ăn và tuổi phổ biến nhất là 16 - 17. Trong khi đó, lứa tuổi phát bệnh ở các cậu bé là 12 (chiến khoảng 5 - 10%).
Có thể tự làm gì?
Chỉ cần tự đặt câu hỏi rằng: “Tôi có thể làm gì để giúp chính mình? là bạn đã thành công được một nửa. Điều quan trọng là cần phải làm rõ quan điểm của bạn về cân nặng và vóc dáng của bản thân. Tất nhiên sẽ rất khó khăn để đưa ra một đánh giá khách quan.
Vì vậy hãy tìm một người thật tin cậy mà bạn có thể tâm sự tất cả mọi điều, đó có thể là một người bạn, nhà tâm lý trị liệu, hay chuyên viên tư vấn, CLB... nhưng tốt nhất là hãy nhờ sự giúp đỡ từ bạn bè và người thân.
Thỏa hiệp với cân nặng và vóc dáng rất quan trọng vì thái độ này sẽ giúp bạn dễ dàng chấp nhận các chương trình ăn uống và luyện tập hơn. Điều này nghe có vẻ rất đơn giản nhưng sự thực là rất khó. Ví như những người bị chứng biếng ăn thường có cảm giác mình đang tăng cân, không thể kiểm soát được cơ thể.
Nếu bạn ăn quá nhanh (bị chứng cuồng ăn, ăn vộ độ) hãy chia nhỏ khẩu phần cho tới khi cơ thể chấp nhận.
Riêng với những trường hợp bị rối loạn ăn uống đã lâu thì nhất thiết phải có sự giúp đỡ từ các bác sĩ chuyên khoa.
Nhân Hà
Theo MSN