1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Bệnh nhi 8 tuổi nhập viện với cẳng tay… ướp trong thùng đá

Vân Sơn

(Dân trí) - Tai nạn nguy hiểm khi đi xe gắn máy cùng anh trai khiến bé 8 tuổi bị đứt lìa cẳng tay phải. Cháu may mắn được các bác sĩ thực hiện cuộc phẫu thuật nối thành công chi thể.

Ngày 2/12, thông tin từ Bệnh viện Nhi Đồng 2 cho biết, tại đây vừa tiếp nhận và kịp thời can thiệp cho một trường hợp bị thương tích rất nguy hiểm. Bệnh nhi là bé N.T.G.H. (8 tuổi, ngụ tại Long An) nhập viện với cẳng tay phải được bảo quản lạnh trong thùng đá.

Bệnh nhi 8 tuổi nhập viện với cẳng tay… ướp trong thùng đá - 1
Cẳng tay bị đứt lìa của bệnh nhi được bảo quản lạnh thời điểm chuyển đến bệnh viện

Khai thác bệnh sử ghi nhận, trước đó bé đi xe gắn máy cùng anh trai thì không may tai nạn xảy ra, khiến cẳng tay phải của bé bị đứt lìa cùng vết thương trên đầu.

Bệnh nhi được người dân sơ cứu tại hiện trường và chuyển cùng chi thể đứt lìa được bảo quản lạnh trong thùng đá đến bệnh viện địa phương cấp cứu. Tuy nhiên, thương tích nguy hiểm vượt quá chuyên môn của y tế tuyến cơ sở, cháu bé nhanh chóng được chuyển lên Bệnh viện Nhi Đồng 2.

Qua thăm khám, bác sĩ ghi nhận bệnh nhi có vết thương cắt cụt cẳng tay phải được băng kín, phần cẳng tay đứt lìa được bảo quản khá cẩn thận trong thùng lạnh. Vết thương nhỏ trên đầu nằm ở vùng trán đã băng, không dấu hiệu tổn thương thần kinh.

Ngay lập tức, bệnh viện tiến hành hội chẩn liên chuyên khoa gồm: chấn thương chỉnh hình - ngoại thần kinh - gây mê. Sau khi thực hiện các xét nghiệm, bác sĩ đã chỉ định phẫu thuật khẩn cấp cho bệnh nhi để tránh nguy cơ chi thể đứt lìa bị hoại tử.

Bệnh nhi 8 tuổi nhập viện với cẳng tay… ướp trong thùng đá - 2
Bác sĩ đã thực hiện cuộc phẫu thuật nối thành công chi thể cho bệnh nhi

Sau hơn 5 giờ khẩn trương trong phòng phẫu thuật, ê kíp bác sĩ đã tiến hành vệ sinh cắt lọc vết thương đứt nham nhở. Quá trình can thiệp ghi nhận xương trụ và xương quay bị gãy 3 mảnh. Các bác sĩ đã kết hợp xương bằng dụng cụ, tìm và nối thành công động mạch, 2 tĩnh mạch bằng phương pháp vi phẫu.

Sau khi nối mạch máu, phần chi thể bị đứt lìa có tín hiệu máu lưu thông tốt, cẳng tay dần hồng hào và ấm. Các bác sĩ tiếp tục thực hiện vi phẫu nối thành công thần kinh giữa, thần kinh quay và trụ.

Sau ca mổ, cẳng tay bệnh nhi đã hồng hào, mạch rõ. Hiện bệnh nhi đang được chăm sóc đặc biệt tại khoa Bỏng - Chỉnh hình sau mổ, kết quả siêu âm kiểm tra tín hiệu mạch máu nối hoạt động tốt. Dự kiến thời gian tới, bệnh nhi sẽ được nối thần kinh trụ, thần kinh quay, đồng thời kết hợp tập phục hồi chức năng cẳng tay.

Từ trường hợp trên, bác sĩ cảnh báo, tai nạn sinh hoạt và tai nạn giao thông là những tình huống xảy đến bất ngờ đặc biệt nguy hiểm cho mọi người đặc biệt là trẻ nhỏ. Những trường hợp bị tai nạn đứt lìa chi thể, sự tiến bộ của y học hiện nay hoàn toàn có thể nối lại thành công. Tuy nhiên, để đạt hiệu quả tối ưu cho cuộc phẫu thuật nối lại việc sơ cứu rất quan trọng.

Cách sơ cứu chi thể đứt lìa: 

Thời gian "vàng" để khâu nối tay và chân đứt lìa thành công thông thường trong vòng 6 giờ. Nếu được giữ lạnh ở nhiệt độ trung bình 4 độ C (0 - 10 độ C) thời gian có thể thực hiện phẫu thuật sẽ tăng lên từ 1 đến 1,5 lần. 

Khi sơ cứu cho nạn nhân, cần rửa vết thương bằng nước đã được đun sôi để nguội hoặc dung dịch sinh lý mặn, sau đó băng vết thương bằng vải sạch, gạc vô trùng, băng thun ép cầm máu. Đối với đứt lìa ngón tay, bàn tay, cổ tay chỉ cần băng ép có trọng điểm lên vết thương là đủ cầm máu. 

Nếu đứt lìa cẳng tay, cánh tay, cẳng chân… có thể cần ga rô để tránh chảy máu bằng cách dùng dây vải quấn vài vòng phía trên mỏm cụt khoảng 10cm, đút một cây gỗ và xoắn vài vòng cho đến khi máu ngưng chảy, nhưng không nên siết quá chặt. Trường hợp phải di chuyển bệnh nhân đến những cơ sở y tế ở xa thì mỗi 90 phút phải xả ga rô 5 phút để tránh nguy cơ hoại tử vùng phía dưới vị trí ga rô do không được tưới máu. 

Phần chi thể bị đứt lìa cần rửa sạch bằng nước đã được đun sôi để nguội hoặc nước muối sinh lý nếu có. Quấn băng hoặc vải sạch quanh phần đứt lìa rồi cho vào một túi nhựa mỏng, buộc miệng túi lại. Đặt túi chứa chi thể vào thùng đá lạnh, thau chứa đá lạnh, hoặc đơn giản nhất là cho vào trong một túi nhựa khác có chứa đá lạnh và chuyển tất cả theo nạn nhân. Tuyệt đối không để trực tiếp phần đứt lìa vào đá lạnh.