1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Bệnh nhân vụ lũ quét thôn Làng Nủ: Hút ra nhiều sỏi đá, bùn đất từ phế quản

Hồng Hải

(Dân trí) - Trưa 12/9, PGS.TS Đào Xuân Cơ, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai cho biết, 2 bệnh nhân vụ lũ quét thôn Làng Nủ tình trạng rất nặng. Các bác sĩ đang nỗ lực cứu chữa, nhưng một bệnh nhân nguy cơ tử vong cao.

0h30 ngày 12/9, hai bệnh nhân vụ lũ quét thôn Làng Nủ được chuyển đến Trung tâm Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bạch Mai trong tình trạng nguy kịch.

Đây là trường hợp bệnh nhân nam H.V.V. (31 tuổi, dân tộc Tày). Bệnh nhân được tìm thấy chỉ khoảng sau 1 giờ thôn Làng Nủ bị lũ quét, nhưng trong tình trạng rất nặng.

Sau khi được sơ cứu, đưa vào Bệnh viện huyện Bảo Yên cấp cứu, đến tối 10/9, bệnh nhân diễn biến nặng, được chuyển Bệnh viện tỉnh Lào Cai với chẩn đoán chấn thương ngực kín.

Bệnh nhân vụ lũ quét thôn Làng Nủ: Hút ra nhiều sỏi đá, bùn đất từ phế quản - 1

Bệnh nhân đang được điều trị tại Trung tâm Hồi sức tích cực (Bệnh viện Bạch Mai), tình trạng rất nặng (Ảnh: Th.A).

Rạng sáng ngày 11/9, bệnh nhân vào khoa Cấp cứu Bệnh viện tỉnh Lào Cai trong tình trạng hôn mê, da và niêm mạc nhợt, xây xát nhiều vùng đầu, mặt, vùng ngực, bụng, mạch 102 l/p, huyết áp 100/50 mmHg.

Người bệnh được chẩn đoán đa chấn thương, chấn thương ngực. Bệnh nhân được xử trí đặt nội khí quản và chuyển lên khoa Hồi sức tích cực Lào Cai.

Tại đây, người bệnh thở máy, mở màng phổi dẫn lưu dịch khí, soi hút phế quản (2 lần) ra nhiều sỏi đá và bùn đất, kháng sinh phổ rộng, duy trì thuốc trợ tim vận mạch và lọc máu liên tục.

Tình trạng người bệnh nặng hơn, nguy cơ tử vong cao nên đến 19h ngày 11/9 được chuyển xuống Bệnh viện Bạch Mai trong tình trạng an thần, thở máy, duy trì thuốc vận mạch liều cao. Bệnh nhân bị rối loạn đông máu nặng, nhiễm trùng nặng...

Bệnh nhân vụ lũ quét thôn Làng Nủ: Hút ra nhiều sỏi đá, bùn đất từ phế quản - 2

Hình ảnh nội soi phế quản của bệnh nhân có nhiều sỏi đá, bùn đất (Ảnh: Bác sĩ cung cấp).

"Ngay khi vào viện, các bác sĩ đã nhanh chóng thực hiện nhiều kỹ thuật để cấp cứu người bệnh như thở máy theo chiến lược bảo vệ phổi, lọc máu liên tục loại bỏ cytokine. Bệnh nhân cũng đã được nội soi phế quản (lần 3) để hút, bơm rửa phế quản. Trong nội soi thấy rất nhiều bùn, và dị vật trong lòng phế quản", bác sĩ điều trị cho biết.

"Chúng tôi đang nỗ lực hết mọi nguồn lực, trang thiết bị, thuốc men tốt nhất để cứu người bệnh. Chúng tôi cũng đã tổ chức hội chẩn toàn viện gồm các chuyên gia đầu ngành về Hồi sức cấp cứu, Tim mạch, Hô hấp, Tiêu hóa, Huyết học, Truyền nhiễm, Dinh dưỡng...

Hiện nay, người bệnh đang được an thần, giãn cơ, ECMO hỗ trợ hô hấp và tuần hoàn, lọc máu liên tục phối hợp lọc máu hấp phụ, kháng sinh phổ rộng tối ưu, nội soi bơm rửa phế quản, truyền các chế phẩm máu... nhưng tình trạng hiện nay còn suy đa tạng rất nặng, nguy cơ tử vong cao", lãnh đạo Bệnh viện Bạch Mai thông tin.

Trường hợp thứ hai là bé gái Mông Hoàng Thảo Ng. (11 tuổi, dân tộc Tày). Bệnh nhi cũng là nạn nhân trong vụ sạt lở do lũ quét tại thôn Làng Nủ, Phúc Khánh, Bảo Yên, Lào Cai.

Bệnh nhân vụ lũ quét thôn Làng Nủ: Hút ra nhiều sỏi đá, bùn đất từ phế quản - 3

Bé gái 11 tuổi đang được điều trị tại Trung tâm Nhi khoa (Bệnh viện Bạch Mai), phải thở máy, tiên lượng nặng (Ảnh: Th.A).

Vụ lũ quét khiến 4 người ở cùng gia đình bé gồm bà ngoại, mợ và hai con của cậu tử vong. Bố mẹ bệnh nhi làm thợ xây ở Hà Nội, anh trai của bệnh nhi đi học nên thoát nạn.

Bệnh nhân hiện đang được điều trị tích cực tại Trung tâm Nhi khoa, thở máy tình trạng nặng. Các bác sĩ đang nỗ lực hết sức để cứu cháu bé.

Trước đó, khoảng 6h sáng 10/9, tại xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên, Lào Cai, đã xảy ra vụ lũ quét tang thương.

Cập nhật mới nhất của nhà chức trách cho thấy, đến 11h ngày 12/9, tổng nạn nhân tử vong và mất tích ở thôn Làng Nủ là 112 người, trong đó tử vong tại chỗ 17, mất tích 95.