Bệnh nhân ung thư Mỹ đứng trước quyết định khó khăn vì dịch Covid-19
(Dân trí) - Việc dịch Covid-19 ngày càng trở nên nghiêm trọng ở Mỹ đã khiến cho những người dân, đặc biệt là bệnh nhân ung thư ở quốc gia này nhìn nhận một cách nghiêm túc về sự nguy hiểm của nó.
Yoko Williams, một phụ nữ người Mỹ được chẩn đoán mắc ung thư vú vào tháng 1/2020. Thời điểm này, dịch Covid-19 đã bùng phát nhưng nó vẫn là một điều gì đó rất xa vời với người dân phương Tây, đương nhiên trong đó có cả Williams, khi bà không mảy may nghĩ rằng, dịch bệnh này có thể gây ra bất cứ ảnh hưởng gì đến sức khỏe cũng như việc điều trị của mình.
Ca phẫu thuật loại bỏ khối u của bà William sau đó không lâu cũng đã được thực hiện thành công. Tuy nhiên, vấn đề lại xảy đến khi bà bước vào quá trình hóa trị liệu. “Lịch hóa trị của tôi là vào tháng 3. Tuy nhiên đây cũng là thời gian Covid-19 đã ập đến quê nhà Springfield của tôi. Điều này khiến tôi rất băn khoăn về việc tiếp tục thực hiện hóa trị liệu” – Bà William chia sẻ.
Ở thời điểm hiện tại, theo thống kê dịch Covid-19, Mỹ là quốc gia dẫn đầu thế giới ở cả 2 chỉ số: số ca mắc (533.963 trường hợp) và số ca tử vong (20.608 trường hợp). Dịch bệnh Covid-19 bùng phát và ngày càng trở nên nghiêm trọng ở Mỹ đã khiến cho những người dân, đặc biệt là bệnh nhân ung thư ở quốc gia này nhìn nhận một cách nghiêm túc về sự nguy hiểm của nó. Bản thân bà William cũng đã tự đặt ra hàng tá câu hỏi để đi đến quyết định của cùng về việc hóa trị liệu: Liệu có an toàn khi đi đến các cơ sở y tế để điều trị hay không? Việc hóa trị có làm suy giảm hệ miễn dịch quá nhiều, từ đó tăng nguy cơ mắc Covid-19 hay không? Nếu bỏ qua hóa trị, liệu ung thư có quay trở lại hay không?
“Tôi nên dừng lại hay là nên tiếp tục? Những câu hỏi này khiến tôi cảm thấy tiêu cực và rất hoang mang” – Bà William nhớ lại. Cuối cùng, bệnh nhân ung thư vú 56 tuổi này đã quyết định tạm dừng liệu trình hóa trị của mình. Theo bác sĩ, bà William vẫn sẽ ổn nếu tạm dừng hóa trị liệu, bởi việc đến bệnh viện lúc này với các bệnh nhân ung thư như bà thực sự là một điều nguy hiểm.
Không chỉ có bà William, bởi mỗi năm, nước Mỹ có gần 250.000 phụ nữ được chẩn đoán mắc ung thư vú. Đương nhiên, không ít trong số này cũng đang rơi vào tình huống tiến thoái lưỡng nan, khi mà liệu trình điều trị lại rơi vào đúng cao điểm dịch Covid-19. Bà William vẫn là một trường hợp còn tương đối may mắn khi có quyền tự quyết việc điều trị của mình, bởi rất nhiều bệnh nhân ung thư khác có nhu cầu chữa trị nhưng lại bị từ chối, vì các cơ sở y tế phải dồn nguồn lực cho cuộc chiến chống dịch Covid-19. Thậm chí, có trường hợp đã được chẩn đoán mắc ung thư nhưng lại bị trĩ hoãn thực hiện phẫu thuật loại bỏ khối u, dẫn đến nguy cơ cao làm lỡ mất “thời điểm vàng”, trong điều trị ung thư.
Ung thư vú là loại ung thư thường gặp nhất ở phụ nữ nhiều nước trên thế giới và Việt Nam. Trong số các bệnh ung thư ở nữ, ung thư vú chiếm tới 35%. Bệnh được phát hiện ở giai đoạn càng sớm thì tỷ lệ chữa khỏi bệnh càng cao. Ung thư vú có thể chữa khỏi 100% nếu được phát hiện ở giai đoạn tiền lâm sàng. Tỷ lệ sống thêm sau 5 năm giảm dần khi bệnh được phát hiện và điều trị muộn hơn.
Những dấu hiệu cảnh báo ung thư vú gồm:
- Khối u không đau ở ngực;
- Thường xuyên bị ngứa và rát quanh núm vú;
- Núm vú bị rỉ máu, tiết dịch khác thường hoặc thụt vào, co lại;
- Làn da trên vú bị sần da cam, dày lên hoặc bị lún xuống, có nếp gấp;
- Có hạch ở hố nách.
Minh Nhật
Theo LA Times