Bệnh nhân ung thư có nên hoãn xạ trị vì Covid-19?
(Dân trí) - Trong thời điểm này, việc cân bằng giữa nguy cơ mắc Covid-19 với nguy cơ bệnh nhân ung thư tử vong do chậm trễ điều trị là rất quan trọng.
Xạ trị là một trong những phương pháp phổ biến được sử dụng để điều trị ung thư. Trước thực trạng Covid-19 diễn biến phức tạp, nhiều bệnh nhân ung thư đến lịch xạ trị băn khoăn với lựa chọn tiếp tục liệu trình hay trì hoãn điều trị để tránh Covid-19.
Về vấn đề này, theo Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, các kịch bản lâm sàng chứng minh việc trì hoãn xạ trị có thể dẫn tới tình trạng bệnh của bệnh nhân ung thư xấu đi. Vì vậy, bác sĩ sẽ cân nhắc giữa nguy cơ phơi nhiễm virus SARS-CoV-2 với nguy cơ tử vong do ung thư.
Cụ thể, các gián đoạn trong quá trình xạ trị như chậm trễ, ngắt quãng hay bỏ dở cũng sẽ ảnh hưởng đến việc kiểm soát tại chỗ cũng như thời gian sống thêm của bệnh nhân. Ví dụ, một nghiên cứu chỉ ra rằng chậm trễ trong xạ trị bổ trợ cho bệnh nhân ung thư vú sau phẫu thuật trên 8 tuần sẽ làm tăng gấp đôi nguy cơ tái phát tại chỗ.
Đối với nhóm bệnh nhân u thần kinh đệm độ ác tính cao thì việc xạ trị sau phẫu thuật chậm trễ sẽ ảnh hưởng đến kết quả sống còn của bệnh nhân. Mỗi một tuần chậm trễ xạ trị bổ trợ tính từ thời điểm 2 tuần sau mổ sẽ làm tăng nguy cơ tử vong của bệnh nhân lên 8,9%. Tương tự, với nhóm bệnh nhân u nguyên bào thần kinh đệm mới được chẩn đoán, nếu như việc kéo dài thời gian bắt đầu xạ trị nhiều hơn 48 ngày sau phẫu thuật sẽ làm giảm thời gian sống thêm của bệnh nhân.
Với nhóm bệnh nhân ung thư đầu cổ, những ảnh hưởng về sự chậm trễ của việc bắt đầu điều trị cũng như khoảng thời gian điều trị được nghiên cứu rộng rãi. Việc chậm trễ bắt đầu xạ trị ảnh hưởng xấu đến tỉ lệ sống còn của bệnh nhân sau điều trị. Ví dụ, dữ liệu phân tích từ 234.861 bệnh nhân ung thư đầu cổ có chỉ định xạ trị sau phẫu thuật chỉ ra ảnh hưởng của khoảng thời gian từ khi phẫu thuật đến lúc bắt đầu xạ trị (TS-RT) tới thời gian sống còn của bệnh nhân. Nhóm bệnh nhân có TS-RT nhỏ hơn hoặc bằng 42 ngày có thời gian sống sót trung bình là 10,5 năm, nhóm bệnh nhân có TS-RT từ 43 đến 49 ngày có thời gian sống sót trung bình là 8,2 năm, nhóm bệnh nhân có TS-RT lớn hơn 50 ngày có thời gian sống sót trung bình là 6,5 năm.
Hiện nay, quá trình chẩn đoán, điều trị bệnh nhân ung thư thường được tiến hành đa mô thức với sự kết hợp các bác sỹ phẫu thuật, hóa trị, xạ trị… Từ các ví dụ trên cho thấy vai trò của kết hợp đa chuyên ngành trong việc thảo luận về kiến thức sẵn có về những tác động của sự chậm trễ trong xạ trị với bệnh nhân ung thư để đưa ra những quyết định điều trị phù hợp.
Việc sử dụng các phác đồ xạ trị giảm phân liều cho nhiều loại ung thư sẽ làm giảm số lần đến viện điều trị cũng như toàn bộ thời gian xạ trị của bệnh nhân ung thư và hạn chế các nguy cơ phơi nhiễm. Một vai trò quan trọng khác nữa của xạ trị là khả năng thay thế phẫu thuật ở một số mặt bệnh ung thư như đầu cổ, thực quản, tuyến tụy, tuyến tiền liệt, bàng quang hoặc ung thư phổi không tế bào nhỏ.