Bệnh nhân ung thư có nên chọn vắc xin Covid-19 để tiêm?

TS Phạm Quang Trung

(Dân trí) - Hiện tại Việt Nam đang lưu hành nhiều loại vắc xin Covid-19. Loại vắc xin nào phù hợp nhất với bệnh nhân ung thư? Sau tiêm, bệnh nhân ung thư có thể gặp những phản ứng gì?

Những người bị ung thư (hoặc có tiền sử bị ung thư) có thể tiêm vắc xin, nhưng điều này phụ thuộc vào nhiều yếu tố như loại vắc xin, loại ung thư đã mắc phải, có đang được điều trị ung thư hay không, và hệ thống miễn dịch của họ có hoạt động bình thường hay không. Do đó, tốt nhất bạn nên trao đổi với bác sĩ trước khi tiêm bất kỳ loại vắc xin nào.

Bệnh nhân ung thư có nên chọn vắc xin Covid-19 để tiêm? - 1

Việt Nam đang triển khai chiến dịch tiêm chủng lớn nhất, nhằm bao phủ 70% dân số được tiêm vắc xin Covid-19.

Các loại vắc xin đang được lưu hành tại Việt Nam đều được chứng minh làm giảm đáng kể nguy cơ bị nhiễm Covid-19. Chúng cũng đã được chứng minh là rất hiệu quả trong việc giảm nguy cơ mắc bệnh nặng, phải nhập viện hoặc tử vong do Covid-19 nếu bạn bị nhiễm bệnh.

Hiện nay, hầu hết các tổ chức y tế lớn đều không khuyến khích tiêm kết hợp loại vắc-xin Covid-19 này với loại vắc xin Covid-19 khác cho bệnh nhân ung thư hoặc cho người khỏe mạnh. Nhiều chuyên gia y tế tin rằng việc chủng ngừa loại vắc-xin có sẵn, cho dù là loại nào, là quan trọng nhất, thay vì chờ đợi để có được một loại vắc xin cụ thể.

Khi có thông tin mới về các loại vắc-xin Covid-19 khác nhau, có thể hướng dẫn về việc sử dụng các loại vắc-xin khác nhau có thể thay đổi. Vì lý do này, điều quan trọng là phải nói chuyện với bác sĩ ung thư của bạn về việc tiêm phòng vắc-xin.

Các tác dụng phụ của vắc-xin là gì?

Các tác dụng phụ thường gặp đã được báo cáo sau khi chủng ngừa bao gồm:

- Đau, đỏ hoặc sưng tại chỗ tiêm.

- Mệt mỏi.

- Đau đầu.

 - Sốt.

 - Ớn lạnh.

 - Đau cơ và khớp.

 - Buồn nôn.

Đối với các loại vắc-xin yêu cầu tiêm hai mũi, tác dụng phụ có thể mạnh hơn một chút sau khi tiêm mũi thứ hai so với những gì bạn có thể gặp phải sau khi tiêm mũi đầu tiên. Nói chung, các tác dụng phụ có xu hướng biến mất trong vòng vài ngày.

Ngoài ra, các phản ứng nghiêm trọng hơn như sốc phản vệ có nguy cơ xảy ra nhưng rất thấp. Tất cả bệnh nhân sau tiêm đều được theo dõi 30 phút sau tiêm để kịp thời phát hiện nguy cơ này.

Sau tiêm phòng, bệnh nhân ung thư cũng như người khỏe mạnh cần theo dõi sức khỏe đến 28 ngày, đặc biệt trong 7 ngày đầu để phát hiện kịp thời các phản ứng sau tiêm.