Bệnh nhân oằn lưng trả tiền... hoa hồng
Không chỉ BHYT mới gồng gánh việc lạm dụng xét nghiệm vô tội vạ của bệnh viện (BV), đối tượng bị ảnh hưởng nhiều nhất chính là bệnh nhân không có bảo hiểm.
Nhiều người bệnh đã trở thành nạn nhân với việc móc tiền túi trả những toa thuốc, xét nghiệm vô bổ từ sự vô ý và cả cố ý của bác sĩ…
Siêu lợi nhuận từ việc kê toa, bán thuốc
Điển hình mới đây nhất là vụ bệnh nhân Lê Thị Phụng Duy (sinh năm 1953 - trú tại Q.2, TPHCM) đến BV Bình Dân TPHCM khám vì bị tình trạng đầy bụng khó chịu. Bác sĩ (BS) trực tiếp khám là Trần Minh Đức chỉ định và ghi phiếu cho bệnh nhân Duy đến khoa Nội soi tiêu hóa làm nội soi kiểm tra dạ dày.
Sau khi nội soi, BS trực tiếp thực hiện tên là Nguyễn Ngọc Tuấn đã “hù” bệnh nhân rằng ruột bị viêm nhiều và cần uống viên nang nội soi với giá 14 triệu đồng/viên để kiểm tra đường ruột. Bệnh nhân đành phải cắn răng mua thuốc vì không dám mặc cả với sức khỏe của mình. Điều đáng nói, đáng lẽ BS nội soi phải trả kết quả cho BS khám để ra quyết định điều trị thì ở đây, BS nội soi tự ý đề nghị mua thuốc uống ngay và có người mang đến bán tại chỗ. Thậm chí, BS cũng không cho người sử dụng biết thông tin gì về viên thuốc, công dụng và nơi sản xuất... Không chỉ có nạn nhân Duy, nhiều nạn nhân khác cũng đã tố cáo vị BS này đề nghị uống viên thuốc giá khủng trên.
Một thực trạng khác đang diễn ra phổ biến hiện nay là BS đang làm tại các BV công mở phòng mạch riêng, tham gia mở BV tư hoặc hợp tác với các BV tư để đưa bệnh nhân đến khám, điều trị. Chị N.N.A - ở TPHCM cho biết: "Tôi bị tê chân và đến khám tại BV ĐH Y - Dược TPHCM, nhưng không khỏi. Một y tá chỉ tôi đến phòng khám của một BS làm ở BV này tại quận 11 và khi đến khám, BS này ghi giấy đề nghị tiến hành khoảng 20 xét nghiệm cận lâm sàng như công thức máu, nhóm máu, VS (tốc độ lắng), đường huyết, chức năng thận (ure, creatinin), chức năng gan, mỡ trong máu... ở một BV “nhà” tại quận Bình Tân.
Tổng cộng tiền xét nghiệm lên gần 2,5 triệu đồng". Tuy nhiên, sau khi xét nghiệm xong chị đã được một BS quen chuyên về tĩnh mạch cho biết, chị bị tê chân là do tụt canxi sau khi sanh nở... Chỉ cần bổ sung canxi như uống thuốc, uống sữa, ăn uống các thức ăn giàu canxi là khỏi bệnh.
Báo Lao Động cũng đã có thông tin về hai BS của BV ĐH Y - Dược kê đơn cho bệnh nhân hai loại thuốc đặc trị viêm gan là P.50 (Peg-intron 50mcg) và P.80 (Peg-intron 80mcg), mỗi tháng có BS được chiết khấu lên tới nửa tỉ đồng...
Móc túi bệnh nhân bằng… toa thuốc
Trình dược viên của một Cty dược Ấn Độ cho biết, thị trường hiện này có quá nhiều thuốc từ các hãng khác nhau. Chỉ riêng danh sách thuốc kháng sinh đã lên đến hàng trăm loại. Cty nào có loại thuốc nằm trong danh mục BHYT và đã đấu thầu vào được BV thì khỏi phải bàn. Còn các loại thuốc không nằm trong danh mục hoặc đang chờ duyệt thì cũng phải tìm mọi cách để tung ra thị trường và tìm chỗ đứng.
Hàng loạt vụ BS vi phạm kê toa ăn tiền hoa hồng thuốc trong thời gian qua mà dư luận đã lên tiếng cũng chỉ là phần nổi trong tảng băng chìm. Tùy thuộc vào uy tín, tay nghề, chức danh của BS mà các hãng dược quyết định chi hoa hồng bao nhiêu phần trăm. Thậm chí, những người làm trình dược viên còn cho biết, mức chiết khấu có khi còn lên đến 100%, thậm chí vài trăm phần trăm so với giá thành. Chính vì thế, giá của thuốc khi đến tay người dân khi ấy đã cao hơn rất nhiều so với giá thực.
Được biết, một nghị định quy định xử phạt hành chính về khám bệnh, chữa bệnh sẽ có hiệu lực từ 15/12 tới đây đã quy định rõ, trừ các lương y bốc thuốc kê đơn, hành vi bán thuốc cho người bệnh dưới mọi hình thức sẽ bị phạt tiền từ 15 - 20 triệu đồng. Nhiều người cho rằng, chế tài trên vẫn còn quá nhẹ.
Theo Võ Tuấn
Lao động