1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Lạm dụng xét nghiệm: Hội chứng “người thứ ba trả tiền”

“Người thứ ba” sẽ trả tiền là cơ quan BHYT. Đây là câu truyền miệng trong các bệnh viện khi chứng kiến nhiều bác sĩ chỉ khám lâm sàng qua loa cho bệnh nhân có bảo hiểm y tế (BHYT) và “phóng bút” đề nghị hàng loạt xét nghiệm...

  

Lạm dụng xét nghiệm: Hội chứng “người thứ ba trả tiền”  - 1

Nằm ghép 2-3 người, nhưng bệnh viện vẫn đề nghị BHYT thanh toán mỗi người/giường. Ảnh: V.T
 

Hàng loạt cách “móc túi” bảo hiểm

 

Bị sỏi thận nhiều năm, bà N.T.H trú ở Nhà Bè có bảo hiểm y tế đến khám tại BV B. BS sau khi hỏi sơ về tình trạng bệnh đã nhanh chóng viết ngay giấy yêu cầu xét nghiệm X quang, siêu âm. Sau khi có kết quả, bà N tiếp tục được yêu cầu xét nghiệm UIV, đường huyết. Tưởng đâu đã hết, hôm sau, các BS tiếp tục đề nghị xét nghiệm sinh hóa máu, điện tâm đồ, nước tiểu, chụp phim phổi...  Sau đó, BS kết luận, bệnh nhân có 2 viên sỏi nhỏ ở thận trái và phải kích thước 5ml, 7ml nên chưa cần mổ...

 

Không chỉ là trường hợp của bệnh nhân H, thậm chí, trường hợp bệnh nhân L.M.T ở Xuyên Mộc, Đồng Nai đi khám theo BHYT tại BV tỉnh đã được đề nghị xét nghiệm máu, nước tiểu, huyết học, chụp 3 lần X- quang về phổi; siêu âm thận... sau đó, các BS ở BV ghi giấy chuyển viện lên BV tuyến trên ở TPHCM để điều trị tiếp. Các BS ở BV tuyến trên lại đề nghị bệnh nhân T phải làm lại từ đầu kể cả xét nghiệm máu, nhóm máu...

 

Bên cạnh đó, việc kê đơn thuốc cũng rất tùy tiện, qua khảo sát tại một BV lớn cho thấy, số thuốc được kê trung bình một đơn thuốc là 7,06 loại. Có những đơn thuốc lên tới 10-20 loại thuốc. Đáng lưu ý, thuốc kháng sinh đang được sử dụng ở rất nhiều đơn thuốc, có toa thuốc kháng sinh được sử dụng ở 100% bệnh nhân.

 

Lâu nay, BV nào cũng bức xúc vì quá tải. Chỉ riêng tại TPHCM, tình trạng bệnh nhân nằm ghép 2-3 người/giường tại các BV như: Ung bướu, tai mũi họng, chấn thương chỉnh hình, nhi đồng... là chuyện bình thường. Tuy nhiên, theo bảo hiểm xã hội (BHXH) TPHCM, việc nằm chung, nằm ghép là có thật nhưng khi đề nghị thanh toán BHYT vẫn phải thanh toán cho mỗi bệnh nhân theo số tiền của một giường...

 

Có phải người bệnh gây vỡ quỹ BHYT?

 

Tại cuộc họp mới đây giữa Bộ Y tế và BHXH Việt Nam, Phó Tổng giám đốc BHXH cảnh báo nguy cơ vỡ quỹ BHYT. Phân tích nguyên nhân cho thấy, không phải do người bệnh làm vỡ quỹ mà chính là hàng loạt yếu tố như: Lạm dụng xét nghiệm, kê đơn thuốc, loạn giá đấu thầu thuốc vào BV... Chính vì cách nghĩ: Người thứ ba trả tiền nên BV sử dụng hàng loạt thủ thuật để thu “vốn” lại về cho mình. Ngay cả các giám định viên bảo hiểm do thiếu người và chưa lường hết được các thủ thuật của BV nên cũng đành thả tay.

 

BS Lưu Thị Thanh Huyền, Trưởng phòng Giám định BHXH TPHCM, cho rằng, các quy định về kỹ thuật cận lâm sàng, quy chế chuyên môn hiện có cho phép đội giá chi phí khám - chữa bệnh lên rất nhiều. Như siêu âm, hầu như không còn BV nào ở TPHCM cho siêu âm trắng đen dù siêu âm trắng đen vẫn có giá trị chẩn đoán, nhưng BV cho rằng người bệnh phải được hưởng siêu âm màu vì đây là kỹ thuật cao cấp hơn. Vì vậy, thay vì siêu âm trắng đen chỉ 20.000 đồng/lần thì siêu âm màu bình thường là 80.000 đồng/lần, siêu âm Doppler màu hay siêu âm ba chiều, bốn chiều lên đến 150.000 đồng/lần. Với chẩn đoán viêm xoang trước đây, chỉ cần chụp X - quang thường hoặc kỹ thuật số là có thể chẩn đoán ra bệnh, nhưng nay nhiều BV cứ chỉ định cho chụp CT scanner xoang (không cản quang 700.000 đồng/lần, có cản quang 1 triệu đồng/lần) dù không thật sự cần thiết.

 

Theo kết quả giám định, thẩm định y tế của ngành BHXH tại 55 tỉnh, thành với tổng số tiền trên 114 triệu hồ sơ khám - chữa bệnh đã phát hiện các BV thống kê chi phí khám - chữa bệnh không đúng với số tiền phải xử lý là 571 tỉ đồng. Số tiền vi phạm qua việc đấu thầu mua thuốc cho các cơ sở y tế công lập tại 11 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương cũng lên tới trên 21 tỉ đồng.

 

Được biết, từ 1/12, những hành vi như: Kê tăng số lượng hoặc thêm loại thuốc, dịch vụ kỹ thuật... mà thực tế người bệnh không sử dụng, lạm dụng dịch vụ y tế trong khám - chữa bệnh bảo hiểm sẽ bị xử phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền, cao nhất lên đến 40 triệu đồng. Tuy nhiên, đến thời điểm này Bộ Y tế vẫn chưa đưa ra được một quy chuẩn về xét nghiệm, chiếu chụp, vì thế việc phân định giữa việc lạm dụng và không lạm dụng còn khó khăn.   

 

Theo Võ Tuấn

Lao động

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm