1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Bệnh nhân người nước ngoài thoát cửa tử sau 10 ngày nguy kịch vì cúm B

(Dân trí) - Sang Việt Nam du lịch, bệnh nhân người nước ngoài nhiễm cúm B, viêm phổi do tụ cầu vàng. Tình trạng bệnh nhân nguy kịch do không đáp ứng thở máy, đe dọa tử vong.

GS.TS Nguyễn Gia Bình, Trưởng khoa Hồi sức tích cực (BV Bạch Mai) cho biết, bệnh nhân nam giới quốc tịch Malta được chuyển từ BV Việt Pháp sang Bạch Mai cuối tháng 8 trong tình trạng viêm phổi nặng.

Trước đó, khi sang Việt Nam du lịch, bệnh nhân này có biểu hiện viêm phổi, khó thở và được đưa vào BV Việt Pháp. Bệnh nhân được xác định nhiễm cúm B và viêm phổi do tụ cầu vàng. Tại đây, các bác sĩ đã làm rất tốt thở máy, truyền dịch, dùng thuốc kháng sinh nhưng diễn biến bệnh vẫn tiếp tục nặng lên, nguy kịch, tiên lượng xấu nên đã chuyển sang Khoa Hồi sức tích cực, BV Bạch Mai.

“Tại thời điểm nhập viện, bệnh nhân bị suy hô hấp nặng, phim chụp phổi đã trắng xóa, chức năng hô hấp gần như không còn. Dù đã được thở máy cao tần hiện đại, nhưng bệnh nhân không đáp ứng thở máy, phổi rất xấu, suy hô hấp đe dọa tính mạng”, GS Bình nói.

Với những bệnh nhân suy hô hấp nặng, các phương pháp hồi sức cấp cứu như: dùng máy thở, thuốc đều bị vô hiệu quá, phổi không thể thu nhận oxy nên tỉ lệ tử vong cao. Cơ hội để cứu những bệnh nhân này là dùng phương pháp điều trị hồi sức tiên tiến nhất là kỹ thuật tim phổi nhân tạo tại giường (ECMO), lọc máu liên tục kết hợp nhiều biện pháp hỗ trợ khác.

Tuy nhiên, với bệnh nhân này, cái khó là do họ sang sang Việt Nam du lịch không mua bảo hiểm du lịch, tiền không có, không có người thân đi cùng. Để thực hiện được kỹ thuật này, bác sĩ trưởng khoa đã phải kí cam kết, “thế chấp” với công ty bán vật tư.

Sau 8 ngày căng thẳng, chức năng phổi của bệnh nhân đã tốt lên, bệnh nhân dừng được máy hỗ trợ tim phổi nhân tạo. Sau hơn 10 ngày điều trị, sức khỏe bệnh nhân đã hồi phục, bệnh nhân tỉnh táo, được xuất viện hôm 5/9.

Bệnh nhân người nước ngoài thoát cửa tử sau 10 ngày nguy kịch vì cúm B - 1

GS Bình cho biết thêm, số tiền điều trị trong hơn 10 ngày lên đến 350 triệu đồng. May mắn, sau khi tỉnh táo, bệnh nhân đã liên lạc để người nhà chuyển tiền sang chi trả viện phí.

GS Bình chia sẻ thêm, ECMO là một kỹ thuật hiện đại đã được áp dụng, cứu sống được nhiều ca bệnh thập tử nhất sinh. Trước đây, khi chưa áp dụng ECMO, các ca suy hô hấp nặng do cúm, tỉ lệ tử vong cũng giảm hơn 50%. Hiện mỗi ca ECMO có chi phí trung bình khoảng 300-400 triệu đồng, trong đó có nhiều chi phí đã được Bảo hiểm y tế chi trả.

Hồng Hải

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm