Bệnh nhân “ma” ở Bệnh viện Bưu điện TPHCM
Có những khoa ở Bệnh viện Đa khoa Bưu điện TPHCM không có giường bệnh thực kê hoặc chỉ có vài giường nhưng mỗi ngày trong hồ sơ vẫn báo cáo có đến hàng chục bệnh nhân nằm điều trị nội trú.
Có những đơn vị thành viên của ngành bưu điện bỗng dưng “bệnh hàng loạt” và kéo nhau nằm điều trị ở bệnh viện này dài ngày… một cách khó hiểu!?
Đồng loạt ốm, 15 ngày khỏi
Theo tìm hiểu của Tiền Phong, ngày 5 và ngày 7/3/2013 có hơn 50 bệnh nhân là nhân viên của ngành bưu chính, viễn thông tỉnh B.D nhập viện điều trị ở Khoa Phục hồi chức năng- Liên chuyên khoa (PHCN-LCK) của Bệnh viện Đa khoa Bưu điện TPHCM.
Sau điều trị 15 ngày, hơn 50 nhân viên này được cho xuất viện. Khi số lượng lớn nhân viên ở tỉnh này chưa xuất viện thì ngày 12/3/2013, hơn 40 nhân viên khác của ngành này cũng ở B.D được nhập viện vào Khoa PHCN-LCK để điều trị. Ngày 27/3, tức 15 ngày nằm điều trị tại đây, số bệnh nhân này cũng được xuất viện.
“Do chỉ tiêu bệnh nhân trong ngành mà bệnh nhân giao cho khoa quá cao so với thực tế nên khoa đã học tập và làm theo phong trào, chuyển một số ít bệnh nhân đáng nhẽ có thể điều trị ngoại trú sang điều trị nội trú để nâng cao số giường điều trị trong ngành”, giải trình của lãnh đạo một khoa ở bệnh viện này viết.
Khoa PHCN-LCK của bệnh viện này không có giường thực kê nhưng trong hồ sơ lúc nào cũng ó bệnh nhân điều trị nội trú. Không hiểu số bệnh nhân là nhân viên của ngành bưu điện ở tỉnh B.D trên đã nằm điều trị ở đâu trong khoảng thời gian này?!.
Trước đó, theo tìm hiểu của chúng tôi, trong báo cáo công tác điều dưỡng ngày 8/6/2012 cũng cho thấy, khoa này có 83 bệnh nhân nội trú và khám cho 48 bệnh nhân ngoại trú. Tuy nhiên, số giường thực tế và giường trống ở đây được điều dưỡng báo cáo là “không”. Một bác sĩ trong bệnh viện đặt câu hỏi không biết bệnh nhân nằm ở đâu?
Tiếp đó, trong ngày 23/5/2013, có 20 nhân viên của ngành bưu điện ở tỉnh B.T cũng được nhập viện vào Khoa PHCN- LCK để điều trị 15 ngày. Tại Khoa Nội- Lão khoa của bệnh viện này trong ngày 18/4 đến 3/5 có 23 người ở ngành bưu điện của thành phố C.T lên đây nhập viện điều trị cũng với thời gian 15 ngày, cho dù bệnh khác nhau.
Điều lạ là trong số 23 người này thì có đến 8 phó giám đốc ngành viễn thông công tác ở C.T nằm điều trị. Nhiều người nhìn vào hồ sơ này hoài nghi khi thấy lãnh đạo của ngành này có “bệnh hàng loạt”, nhập viện cùng ngày và ra viện một ngày.
Khủng nhất gần 250 bệnh nhân là cán bộ công nhân viên ngành bưu điện ở tỉnh Đ.N trong các ngày từ mồng 3 đến mồng 10 và 13,14, 22,23,24 và 26/5 đều nhập Khoa Nội- Lão khoa để điều trị. Không rõ lượng lớn bệnh nhân điều trị nằm ở đâu khi khoa này có 18 giường thực kê!
Hơn 15 bệnh nhân nằm một giường
Đến ngày 5/9, Khoa Đông y của Bệnh viện Đa khoa Bưu điện ở Thành Thái, quận 10, TPHCM có 10 bệnh nhân trong ngành bưu chính nhập viện điều trị ở đây. Để kiểm chứng sự việc này, chúng tôi đã có mặt tại khoa thời điểm trưa thì không thấy bệnh lưu. Lúc 18h ngày 5/9, chúng tôi có mặt tại đây, hai cửa chính dẫn vào Khoa Đông y đã được khóa ngoài, cửa phía sau là lối thoát duy nhất cũng được khóa trong, không một bóng người.
Trong ngày 5/9/2013, toàn bệnh viện có 221 bệnh nhân, riêng ở Khoa Nội- Lão khoa có 127 bệnh nhân nằm điều trị hầu hết đều bị… suy nhược cơ thể. Điều đáng nói, trong Khoa Nội- Lão khoa này có 18 giường bệnh thực kê. Bất thường hơn, đến ngày 6/9, ngay sau khi Thanh tra Tập đoàn bưu chính vào làm việc thì số bệnh nhân ở Khoa Nội- Lão khoa đột ngột giảm còn… 17 người. Việc cho “bệnh nhân nằm dài ngày” ở đây cũng diễn ra từ trước đó.
Theo tài liệu có được, trong báo cáo ngày 7/6/2012 thì nơi đây có 4 nhân sự nhưng số phải theo dõi cho 273 bệnh nhân điều trị, tương đương một người phải lo cho gần 70 bệnh nhân. Khoa Nội- Lão khoa báo cáo giường thực kê chỉ 18. Có nghĩa hơn 15 bệnh nhân nằm chung… một giường. Một bác sĩ công tác ở bệnh viện này cho biết: “Không hiểu sao bệnh viện khoảng 400 giường bệnh thực kê nhưng có ngày có tới 556 bệnh nhân nội trú mà giường trống vẫn nhiều”.
Bệnh nhân ngành bưu điện, nằm điều trị tại bệnh viện này sẽ được hưởng chế độ tiền ăn, tiền thuốc và tiền giường khoảng 200 - 250 nghìn đồng/ngày. Một phần trong số tiền này được bảo hiểm y tế chi trả, phần còn lại do ngành bưu điện hỗ trợ.
Một cán bộ ở Bảo hiểm xã hội TPHCM cho biết, năm 2012, Bệnh viện Đa khoa Bưu điện TPHCM chịu sự giám sát về thanh toán bảo hiểm của Bảo hiểm Xã hội TPHCM. Tuy nhiên, do phát hiện bệnh viện này đưa bệnh nhân ngoại trú vào làm hồ sơ bệnh án nội trú, nên cơ quan này đã chuyển hồ sơ sang nơi có thẩm quyền làm việc và không tham gia thanh toán bảo hiểm y tế nữa.
Hôm qua 8/9, chúng tôi đã nhiều lần liên lạc với bác sĩ Trương Anh Kiệt- Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Bưu điện TPHCM để làm rõ sự việc nhưng rất tiếc bác sĩ này không nghe máy.
Theo Lê Nguyễn
Tiền Phong