Bệnh nhân đái tháo đường nên ăn những hạt này mỗi ngày
(Dân trí) - Chỉ cần 75g hỗn hợp hạt vỏ cứng không muối sẽ giúp cải thiện đáng kể kiểm soát đường huyết của bệnh nhân, nghiên cứu của Canada cho thấy.
Các nhà nghiên cứu, từ Đại học Toronto, đã phân tích 117 người lớn mắc bệnh đái tháo đường týp 2 đang dùng thuốc để giảm đường huyết.
Một số người ăn 75g hỗn hợp hạt, một số khác ăn 3 chiếc bánh muffin làm từ bột mì nguyên cám và số còn lại ăn một nửa cả hai thứ trên hàng ngày trong 3 tháng.
Tất cả các chế độ ăn của các đối tượng đều chứa lượng calo như nhau nhưng các loại hạt cung cấp chất béo không bão hòa nhiều hơn và ít carbohydrate.
Mức đường huyết của người tham gia được đánh giá khoảng 2 tuần một lần.
Thay một phần thịt bằng một vốc hạt hàng ngày làm giảm nguy cơ tử vong sớm
Lời khuyên này được đưa ra sau khi nghiên cứu hồi tháng 7 năm ngoái gợi ý chỉ cần thay một phần thịt bằng một vốc hạt có vỏ cứng mỗi ngày sẽ làm giảm tới 17% nguy cơ tử vong sớm.
Cải thiện 20% trong chế độ ăn làm giảm nguy cơ tử vong sớm từ 8 đến 17%.
Điều này tương đương với việc thay một phần thịt bằng một vốc các loại hạt hoặc một thìa canh bơ lạc mỗi ngày.
Các loại hạt hỗn hợp chủ yếu bao gồm hạnh nhân, hạt dẻ cười, hạt quả óc chó, hạt hồ đào, hạt phỉ, lạc, hạt điều và hạt mắc-ca không muối và phần nhiều là sống.
Thứ đồ ăn vặt này cũng làm giảm cholesterol "xấu" và làm giảm mức protein liên quan đến bệnh tim, có tên là Apo-B.
Các nhà nghiên cứu tin rằng những phát hiện này nêu bật tầm quan trọng của chất béo không bão hòa và lượng carbohydrate thấp trong kiểm soát bệnh đái tháo đường týp 2.
Các phát hiện đã được công bố trên tạp chí Diabetologia.
Tác giả chính của nghiên cứu, TS Mercedes Sotos-Prieto, từ Đại học Ohio, cho biết: “Mọi người không cần thiết phải tuân thủ một kế hoạch ăn uống duy nhất để đạt được mô hình ăn uống lành mạnh.
"Các yếu tố thiết yếu của chế độ ăn uống lành mạnh bao gồm khẩu phần cao của trái cây, rau, ngũ cốc nguyên hạt, hạt có vỏ cứng và đậu, và khẩu phần thấp hơn của thịt đỏ và thịt chế biến sẵn, đồ uống có đường và ngũ cốc tinh chế, như gạo trắng và bột mì".
Xem TV làm tăng nguy cơ phát triển bệnh tiểu đường ở trẻ em?
Xem TV từ ba giờ trở lên mỗi ngày có thể làm tăng nguy cơ phát triển bệnh tiểu đường týp 2 ở trẻ, nghiên cứu chỉ ra vào tháng 7 năm 2017.
Trẻ em dành ít nhất 3 giờ trước màn hình thường nặng cân hơn và bị kháng insulin nhiều hơn. Cả hai đều là những yếu tố nguy cơ cho tình trạng này.
Những trẻ này cũng sản sinh ít hoóc-môn leptin hơn. Leptin tham gia vào việc điều chỉnh sự thèm ăn.
Kết quả vẫn còn ngay cả khi đã tính đến mức độ hoạt động của các đối tượng tham gia nghiên cứu.
Cẩm Tú