Bệnh nhân “chết khô hai chân” xuất viện
Sau khi được Bệnh viện Chợ Rẫy TPHCM phẫu thuật cắt bỏ hai bàn chân chết khô, ngày 22/7, bệnh nhân Cil Ha Toàn đã được xuất viện trở về quê nhà tại xã Đạ Đờn, huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng.
Hiện sức khỏe của anh Cil Ha Toàn tương đối tốt, hằng ngày được hai sư cô Diệu Linh và Tuệ Thông thay nhau chăm sóc, đưa đi rửa vết thương ở trạm xá xã Đạ Đờn, huyện Lâm Hà.
Các bác sĩ cũng cấm anh Ha Toàn hút thuốc, bởi thuốc lá chính là nguyên nhân gây ra bệnh Buerger khiến hai bàn chân của anh chết khô, mốc đen, sống trong cảnh đau đớn suốt hơn nửa năm qua.
Chị Ka Rưng bồng chồng trên tay sau khi anh Ha Toàn đã được phẫu thuật.
Các bác sĩ vẫn căn dặn người nhà anh Ha Toàn phải theo dõi sát diễn biến bệnh Buerger của anh để kịp thời có biện pháp điều trị. Một tháng sau anh Cil Ha Toàn sẽ phải đi khám lại tại Bệnh viện Đa khoa Lâm Đồng để theo dõi tình trạng bệnh tật có dấu hiệu tái phát hay không.
Trước đó, vào ngày 10/7, anh Cil Ha Toàn nhập viện điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Lâm Đồng trong tình trạng hai bàn chân bị chết khô, mốc đen và bốc mùi hôi tanh rất khó chịu.
Chỉ vì hút thuốc lá mà anh Cil Ha Toàn phải cắt bỏ cả hai chân
Không phải cắt cụt chi nếu phát hiện sớm
TS Lê Văn Trường, Trưởng khoa Chẩn đoán và can thiệp tim mạch BV TƯ Quân đội 108 cho biết, trường hợp hoại tử chi của chồng chị Ka Rưng là thuộc bệnh tắc động mạch chi.
Cũng theo TS Trường, viêm tắc động mạch chi khá phổ biến. Tại khoa Chẩn đoán và can thiệp tim mạch, BV TƯ Quân đội 108 hiện có gần chục bệnh nhân bị viêm tắc động mạch chi dưới đang nằm điều trị.
Trước đây mỗi tháng, khoa chỉ tiếp nhận 1- 2 bệnh nhân. Nay bệnh nhân đến nhập viện ngày càng nhiều, tăng lên cả chục lần so với trước. Điều đáng nói, hầu hết bệnh nhân đến viện trong tình trạng nặng, chân hoại tử nhiều. Với những trường hợp nhiễm độc nặng, nhiều bệnh nhân phải cắt cụt chân khẩn cấp để cứu tính mạng.
Nguyên nhân là do bệnh nhân không biết bệnh, tự chẩn đoán, thường nhầm là do bệnh cơ xương khớp, do đau thần kinh ngoại vi, hoặc do tuổi già… Trong khi đó, nếu phát hiện sớm bệnh có thể chữa khỏi.
Ở giai đoạn sớm, bệnh nhân không có triệu chứng gì, sau đó xuất hiện: đau, mỏi và co cứng bắp chân, đùi, hoặc mông. Khi đi bộ phải dừng lại, ngồi nghỉ 1 lúc mới có thể tiếp tục đi được. Hiện tượng đó lặp đi lặp lại. Khoảng cách đi bộ ngắn dần chứng tỏ bệnh đang tiến triển nặng lên.
Tiếp đến, bệnh nhân đau bàn, ngón chân liên tục, kể cả khi nghỉ. Bệnh nhân thường mất ngủ, mệt mỏi vì đau chân. Da chân tái và lạnh, xuất hiện loét và hoại tử các ngón chân, có thể cả bàn chân, kèm theo cảm giác đau liên tục, thuốc giảm đau không có tác dụng. |
Theo Khắc Lịch
Khoa học & Đời sống