1. Dòng sự kiện:
  2. Công nhân Vĩnh Phúc ngộ độc tập thể

Bệnh nhân cần tự cứu mình!

Đổ lỗi, đùn đẩy trách nhiệm, đóng cửa bảo nhau khi xảy ra sự cố... đang được phần lớn các BV áp dụng. Khách quan mà nói, BS cũng có thể phạm sai sót. Tuy nhiên, cách xử sự còn thiếu chuyên nghiệp khiến nhiều vụ bạo hành nhân viên y tế xảy ra...

 

Bệnh nhân cần tự cứu mình!  - 1


Chỉ thừa nhận khi người nhà khiếu kiện

 

Trong y văn thế giới, việc sai sót y khoa gặp rất nhiều ở các nước đang phát triển và các nước phát triển. Vì thế, nếu sai sót xảy ra tại các BV ở VN cũng không phải là vấn đề lạ.

 

Theo ThS Phạm Đức Mục, Phó cục trưởng Cục Quản lý khám - chữa bệnh (Bộ Y tế), ở Mỹ, những sự cố y khoa không mong muốn làm cho hơn 44.000 người chết, thậm chí có thể lên tới 98.000 người chết và 1 triệu người bị thương tổn. Tại BV ở Utah, các sự cố y khoa không mong muốn đã để lại hậu quả cho 2,4% số người bệnh nhập viện...

 

Ông Mục cho biết: “Sự cố y khoa không mong muốn và sai sót chuyên môn kỹ thuật trong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tại VN chưa được nghiên cứu hệ thống, chưa có các số liệu để có một bức tranh đầy đủ về sai sót chuyên môn và sự cố y khoa. Số trường hợp nêu trên báo chí là phần nổi của tảng băng chìm không rõ độ lớn và kích thước. Các sự cố y khoa không mong muốn được biết đến qua khiếu kiện của người bệnh hay gặp như: Nhầm người bệnh trong phẫu thuật, nhầm vị trí phẫu thuật, nhầm thuốc, nhầm trẻ sơ sinh, đặc biệt nhiễm trùng hàng loạt sau phẫu thuật cũng đã từng xảy ra”.

 

Đơn cử, trong những ngày gần đây, dư luận xôn xao việc liên tiếp các sai sót y khoa xảy như: Người nhà bệnh nhân đập phá BV ở Cà Mau; vụ nạn nhân Phạm Phú Chung - 19 tuổi ở Đà Nẵng - bị tử vong do BS tắc trách; vụ em Nguyễn Thị Bích Hiền - 19 tuổi, ở tổ 1, thôn An Hòa, xã Tam An, huyện Phú Ninh - cũng bị tử vong do BS BV Đa khoa Quảng Nam chẩn đoán sai bệnh... Các trường hợp sai sót trên đều để lại hậu quả nặng nề, tuy nhiên, chưa thấy BV nào “dũng cảm” đứng ra nhận trách nhiệm...

 

Giảm sai sót: Cần hệ thống quản lý nguy cơ

 

Theo các BS, một nguyên nhân dẫn đến các sai sót y khoa còn do... quá tải. Dù đã có quy chế về biên bản phẫu thuật, nhưng một BS có thể phải mổ liên tiếp rất nhiều ca, nên không đủ thời gian hoàn tất các thủ tục, dễ quên. Đó cũng có thể được coi là sai sót do cẩu thả, nhưng trên hết là thiếu tính kỷ luật, làm sai quy định của ngành.

 

PSG. TS. BS Nguyễn Hoài Nam, BV ĐH Y - Dược TPHCM, cho biết: “Những sai sót y khoa thường xảy ra khi mọi người đã mỏi mệt vì quá tải... Trong khi đó, quy chế kiểm tra trước và sau mổ không được thực hiện nghiêm túc”.

 

Để giải quyết hậu quả, tại VN, ở tất cả các BV đều có những cuộc họp giao ban để rút kinh nghiệm trong điều trị, chăm sóc bệnh nhân. Những sai sót có thể được mổ xẻ để rút... kinh nghiệm, nhưng tất cả chỉ là xử lý nội bộ. Theo TS Bùi Mạnh Hà, BV cấp cứu Trưng Vương, việc xử lý sai sót chuyên môn phụ thuộc vào việc người nhà bệnh nhân có kiện hay không. Nếu có kiện, thường mọi chuyện sẽ rơi vào im lặng sau khi BV tự “thương lượng” với nạn nhân.

 

Tốt nhất, người bệnh phải “tự theo dõi những bất thường” để bảo vệ sinh mạng mình, chẳng hạn, theo BS Hoài Nam: “Sau mổ, nếu bệnh nhân có những điều bất thường như đau bụng, chướng bụng, sốt, hay bất kỳ khó chịu nào mà không giải thích được, đều phải nghĩ đến tình trạng sót gạc trong vết mổ”.

 

Để hạn chế sai sót y khoa, VN cần phải có một hệ thống quản lý nguy cơ để tiếp nhận báo các tai biến và thất bại trong điều trị, phân tích nguyên nhân và báo cáo phản hồi.

 

Theo Võ Tuấn

Lao động