1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Bệnh nhân bị vi khuẩn Whitmore "ăn" mòn mũi điều trị liên tục hơn 20 ngày

(Dân trí) - Nữ bệnh nhân 49 tuổi ở Bắc Kạn nhập viện trong tình trạng vi khuẩn "ăn" mòn cánh mũi, vùng cánh mũi bệnh nhân hoại tử lan rộng, đồng thời xuất hiện thêm ổ áp-xe ở khớp cổ chân phải. Bệnh nhân đã phải trải qua hơn 3 tuần điều trị tích cực liên tục để tiêu diệt được loại vi khuẩn "ăn" mũi này.

Ngày 20/9, PGS.TS Đỗ Duy Cường, Giám đốc Trung tâm bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai cho biết nữ bệnh nhân bị vi khuẩn "ăn" mòn mũi được xuất viện sau hơn 3 tuần điều trị liên tục.

Bệnh nhân bị vi khuẩn Whitmore ăn mòn mũi điều trị  liên tục hơn 20 ngày - 1

Tại thời điểm nhập viện, bệnh nhân bị vi khuẩn Whitmore "ăn" mòn cánh mũi.

Trước đó, ngày 28/9, Trung tâm tiếp nhận bệnh nhân P.T.S. nữ (49 tuổi, ở Bắc Kạn) được bệnh viện tỉnh chuyển đến trong tình trạng sốt cao liên tục.

Khai thác tiền sử bệnh nhân cho thấy, một tuần trước vào viện, bệnh nhân xuất hiện nhọt ở cánh mũi và có dấu hiệu hoại tử lan rộng, đồng thời xuất hiện thêm ổ áp-xe ở khớp cổ chân phải.

Khi đi khám tại bệnh viện, bệnh nhân được chẩn đoán nhiễm trùng huyết do tụ cầu trên nền bệnh nhân đái tháo đường týp 2 và được điều trị kháng sinh tuy nhiên diễn biến càng lúc càng nặng, đã được chuyển đến Trung tâm bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai.

Tại đây, kết quả cấy máu và mủ ở vết thương cho kết quả dương tính với loại vi khuẩn có nhiều trong đất mang tên Whitmore. Các bác sĩ đã phải thay đổi hoàn toàn phác đồ điều trị, nếu không bệnh nhân sẽ nguy hiểm tính mạng

"Ca bệnh tổn thương cánh mũi này lần đầu tiên gặp ở Việt Nam và cũng chưa từng được đề cập trong y văn thế giới, vì vậy chẩn đoán ban đầu rất khó khăn", PGS Cường cho biết.

Với trường hợp này, trong giai đoạn tấn công, bệnh nhân được điều trị bằng phác đồ kháng sinh đặc hiệu truyền tĩnh mạch liều cao. Đồng thời được hội chẩn với nhiều chuyên khoa trong bệnh viện như Nội tiết - Đái tháo đường, Tai mũi họng, Cơ xương khớp, Vi Sinh,… để theo dõi, phối hợp điều trị bệnh nền và giải quyết các tổn thương tại chỗ, đặc biệt là chăm sóc vết thương hàng ngày để bảo tồn cánh mũi.

Bệnh nhân bị vi khuẩn Whitmore ăn mòn mũi điều trị  liên tục hơn 20 ngày - 2

Bệnh nhân ổn định sau hơn 3 tuần điều trị và được xuất viện.

Sau 1 tuần điều trị, các dấu hiệu của bệnh đã bắt đầu thuyên giảm, sốt giảm dần, cánh mũi se lại, không còn chảy mủ. 3 tuần sau, bệnh nhân cắt sốt, toàn trạng ổn định, ăn ngon miệng, tổn thương ở cánh mũi đã được hồi phục hoàn toàn.

Kết quả xét nghiệm ngày 19/9 cho thấy các chỉ số trở về bình thường, bệnh nhân được xuất viện.

PGS Cường thông tin thêm, bản chất Whitmore không phải là vi khuẩn ăn thịt người. Bệnh cũng không gây thành dịch và không lây trực tiếp từ người sang người. Tuy là một bệnh nguy hiểm có tỷ lệ tử vong cao nhưng nay đã có kháng sinh đặc hiệu điều trị nên bệnh có thể chữa khỏi hoàn toàn nếu được chẩn đoán và điều trị kịp thời. 

BS Nguyễn Trung Cấp, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới T.Ư cũng cho biết, bản chất y học không có khái niệm chính thống "vi khuẩn ăn thịt người". Tuy nhiên, với những vi khuẩn gây hoại tử nhanh thường được gọi với tên này.

Với vi khuẩn Whitmore không gây hoại tử nhanh như nhiều tác nhân khác. Tuy nhiên, căn bệnh này rất nguy hiểm bởi khởi phát bệnh tiến triển rất nhanh, có thể tử vong chỉ sau 48 giờ nhập viện.

Độc tính vi khuẩn gây nên bệnh Whitmore có độc tính cao hơn một số vi khuẩn khác. Tuy nhiên, bệnh chỉ thường gặp ở người có miễn dịch suy giảm, đang mắc các bệnh mạn tính. Khi nhiễm bệnh ở những người này, bệnh  diễn biến bệnh thường phức tạp, nặng nề hơn, có thể gây tử vong nếu không được chẩn đoán và điều trị kháng sinh phù hợp...

Trong những bệnh cảnh của bệnh này có nhiễm khuẩn huyết, cũng như nhiễm trùng huyết do các vi khuẩn khác, có tình trạng bệnh nặng hơn, tiên lượng xấu và nguy cơ tử vong cao.

Hồng Hải