1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Bệnh loạn cơ thái dương hàm

(Dân trí) - Mỗi lần nhai cơm, chị Trần Bích V lại nghe thấy tiếng kêu “lụp cụp” ở thái dương hàm. Nhưng thỉnh thoảng, “tiếng kêu” lại biến mất, hơn nữa cũng không thấy ảnh hưởng gì đến sinh hoạt hàng ngày nên chị cũng chủ quan bỏ qua. Một lần đi khám răng, chị mới biết mình bị căn bệnh loạn cơ thái dương hàm.

Thạc sỹ Phạm Như Hải, phó chủ nhiệm khoa Hàm Mặt - BV Việt Nam - Cu Ba cho biết, loạn cơ thái dương hàm là căn bệnh thường gặp, chỉ những rối loạn liên quan đến các cơ nhai, đến khớp thái dương hàm hoặc cả hai. Nhưng vì biểu hiện của căn bệnh này thường không rõ ràng, thoáng qua, thậm chí có người tự nhiên khỏi, chính vì thế hầu hết mọi người không mấy quan tâm. Đây là căn bệnh tuy không gây tử vong nhưng nếu phát hiện chậm sẽ rất khó điều trị và gây ra nhưng khó chịu, mệt mỏi cho cơ thể.

 

Theo thống kê tại các nước phát triển cho thấy, khoảng 10% dân số mắc chứng bệnh loạn cơ thái dương hàm. Bệnh lý này ban đầu gây đau các cơ vận động hàm, sau đó gây tổn thương các khớp thái dương hàm, làm nhuyễn sụn khớp, rồi thoái hoá và có thể dẫn đến dính khớp thái dương hàm.

 

Triệu chứng chung phổ biến nhất của căn bệnh này là đau, thường đau ở cơ nhai, ở vùng trước tai hay ở khớp thái dương hàm, hoặc cả hai. Đau thường tăng lên khi ăn nhai hoặc khi vận động hàm. Bệnh nhân có thể bị đau đầu, đau tai, đau hàm và đau mặt. Các triệu chứng khác có thể đi kèm như giới hạn vận động hàm khiến bệnh nhân cảm thấy khó khăn khi thực hiện các vận động bình thường của hàm dưới như há, đưa hàm sang bên, đưa hàm ra trước; xuất hiện tiếng kêu ở khớp thái dương hàm khi há ngậm miệng.

 

“Thế nhưng nhiều người khi có các hiện tượng này lại chủ quan cho rằng đó là do mỏi răng khi nhai quá nhiều nên không đi khám. Do vậy, đa phần bệnh nhân đến đều đã bị rối loạn cơ thái dương hàm từ lâu khiến việc điều trị mất nhiều thời gian và khó khăn hơn. Có nhiều trường hợp bị ảnh hưởng nặng, gây khó chịu khi ăn uống, thậm chí còn bị ảnh hưởng gây đau đầu, ảnh hưởng đến toàn thân như mất thăng bằng, làm giảm sức khoẻ, sức lao động...”, BS Hải cho biết.

 

Được biết, căn bệnh này hay gặp ở phụ nữ, khoảng 75% bệnh nhân là nữ giới, nhất là các phụ nữ trẻ (độ tuổi từ 15 đến 35). Tại một khảo sát mới đây do BV Việt Nam - Cu Ba thực hiện trên gần 300 phụ nữ ở Hà Nội thì có đến xấp xỉ 60% bị mắc bệnh loạn cơ thái dương hàm. Điều đáng quan tâm là hầu hết những người này đều bất ngờ khi biết mình mắc bệnh, ai cũng chủ quan cho rằng đó là hiện tượng rất bình thường.

 

Theo BS Hải, có rất nhiều nguyên nhân dẫn tới căn bệnh này, trước hết là do sức ép về tâm lý, ăn ngủ không điều độ, làm việc căng thẳng. Ngoài ra với những người  bị các bệnh như thoái hoá đốt sống cổ, tật chân cao chân thấp, bị vặn vẹo người khi làm việc ... cũng có thể gây ra loạn cơ thái dương hàm.  

 

Thạc sỹ Hải khẳng định, căn bệnh này không khó chữa, nhưng do người Việt Nam hay chủ quan với nó nên khi đến viện đã ở mức nặng. Để điều trị bệnh loạn cơ thái dương hàm, bác sĩ vừa tiến hành điều trị triệu chứng, vừa phải xác định được nguyên nhân gây bệnh. Việc điều trị có thể gồm hai loại, điều trị không can thiệp thực thể và thực hiện các can thiệp trên bộ răng và hệ thống nhai.

 

Điều trị không can thiệp thực thể như các biện pháp dùng thuốc kháng viêm, giảm đau, tâm lý trị liệu như xoa nắn, chiếu tia hồng ngoại, chườm nóng, tập vận động hàm dưới, đeo máng nhai... 

 

Còn nếu phải can thiệp trên bộ răng và hệ thống nhai có nhiều biện pháp khác nhu, tùy vào tình trạng bệnh mà bác sĩ sẽ lựa chọn như mài điều chỉnh khớp cắn, nhổ răng, phục hình, phẫu thuật…

 

BS Hải khẳng định, nếu bệnh được phát hiện sớm, trong thời gian 1 tháng kể từ khi phát thì khả năng chữa khỏi là 100%, đến để chậm từ 1 đến 6 tháng, tỷ lệ thất bại sẽ là 10% ... Tóm lại, nếu để càng lâu càng khó chữa, chi phí cao và hiệu quả thấp.

 

Các chuyên gia về hàm mặt lưu ý:

 

- Để phòng bệnh loạn cơ thái dương hàm cần phải có cuộc sống điều hoà, làm việc, nghỉ ngơi, ăn uống điều độ.

 

- Tránh suy nghĩ gây căng thẳng.

 

- Khi ăn nên tránh các thức ăn quá dai.

 

- Tăng cường tập thể dục để nâng cao sức đề kháng.

 

- Cuối cùng cần chú ý đến những biểu hiện như: đau mỏi hàm, há miệng kêu lục cục hoặc không há miệng được ... để kịp thời đi khám tại các cơ sở chuyên khoa.

 

Hải Phong

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm