Bệnh ho gà xuất hiện rải rác ở nhiều tỉnh
(Dân trí) - Sáng 28/1, GS.TS Nguyễn Trần Hiển, Viện trưởng Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung Ương cho biết: Theo báo cáo mới nhất, hiện Viện đang điều trị cho 9 bệnh nhi bị ho gà, trong đó nhiều nhất là Hà Nội với 4 ca, còn lại là rải rác ở các tỉnh.
Tuy nhiên cũng có một số rất ít trẻ đã tiêm có thể mắc bệnh (5%) bởi hiệu quả vắc xin phụ thuộc vào số liều tiêm đầy đủ, lịch tiêm và chính khả năng đáp ứng miễn dịch của đứa trẻ. Giống các vắc xin khác, không phải vắc xin nào cũng hiệu quả 100%, dù 100% trẻ tiêm vẫn có thể mắc như thường vì chỉ 95% trẻ có miễn dịch.
Tiến sĩ Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế cũng khẳng định, người dân không nên quá lo lắng. Các trường hợp ho gà ghi nhận hiện nay vẫn là các ca rải rác, chưa phải là dịch, khó có nguy cơ xảy ra dịch lớn vì tỉ lệ tiêm chủng đạt cao hơn 90%.
“Ho gà nguy hiểm khi xảy ra biến chứng, trong đó thấy rõ nhất là viêm đường hô hấp, viêm phổi và những trường hợp viêm phổi nặng có thể đe dọa tính mạng của trẻ. Viêm phổi nặng vì bất kỳ lý do gì đều có thể tử vong”, GS Hiển nói.
Trong khi đó, đây là bệnh dễ lây lan qua đường hô hấp (vi khuẩn có trong dịch mũi họng bắn ra ngoài không khí qua ho, hắt hơi, ôm hôm… ) khi tiếp xúc với người mắc bệnh nên một ca mắc không được phát hiện kịp thời, cách ly tốt có thể lan truyền cho những trẻ chưa được tiêm phòng
Vì thế, ngoài tiêm phòng vắc xin cho trẻ (trẻ dưới 1 tuổi cần được tiêm đủ 3 mũi cơ bản, 2 tuổi tiêm mũi thứ 4 và có thể tiêm nhắc lại một mũi khi bước vào lứa tuổi tiểu học), để phòng bệnh ho gà, các bệnh hô hấp cho trẻ, nên tránh cho trẻ tiếp xúc với những đối tượng nghi ngờ mắc bệnh. Khi chăm sóc, tiếp xúc gần với trẻ, người lớn cần thường xuyên rửa tay xà phòng, vệ sinh răng miệng, mũi họng để phòng nguy cơ lây truyền bệnh hô hấp cho trẻ.
Với trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ, càng nên hạn chế tiếp xúc đông người, ôm hôn trẻ bởi một người lớn có thể mang trong mình rất nhiều loại vi rút gây bệnh đường hô hấp, gây cúm… nguy hiểm.
Hồng Hải