1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Bệnh hay gặp ở phụ nữ trung niên

Tuổi thọ của nữ giới ngày một gia tăng nên các vấn đề sức khỏe sau tuổi mãn kinh xuất hiện ngày càng nhiều. Loãng xương, béo phì, cao huyết áp, tăng mỡ máu, ung thư sinh dục... là những căn bệnh mà họ thường phải đối mặt khi đến tuổi xế chiều.

Bác sĩ Nguyễn Xuân Nguyên (Bệnh viện Từ Dũ TP HCM) cho biết, cơ thể phụ nữ trong thời kỳ phát triển liên tục tiết oestrogen để tạo ra các đặc tính của phái nữ. Sang tuổi mãn kinh, buồng trứng ngừng hoạt động, không sản xuất nội tiết tố nữa nên họ bắt đầu thiếu hụt oestrogen. Điều này làm vùng khung chậu bị ảnh hưởng, dễ sinh ra các bệnh viêm âm đạo, ngứa âm hộ, rong kinh, âm đạo khô, giao hợp khó khăn, có thể dẫn đến bệnh sa sinh dục, sa bàng quang, són tiểu. Thiếu oestrogen cũng ảnh hưởng tới tâm thần kinh, tuyến nội tiết, hệ vận mạch, gây ra nhức đầu, mất ngủ, giảm trí nhớ, bốc hỏa từng cơn, chóng mặt, hồi hộp không lý do, đau nhiều nơi trên cơ thể, dễ cáu gắt, sinh ra lo âu, dễ buồn tủi...

 

Để phòng ngừa, có thể uống oestrogen thay thế nội tiết buồng trứng khi mãn kinh để điều hòa cơ thể, song phải có sự chỉ định của bác sĩ chuyên khoa.

 

Một số bệnh lý hay gặp ở tuổi mãn kinh

Loãng xương: Ở tuổi mãn kinh, phụ nữ rất dễ bị loãng xương, đặc biệt là những người nhỏ bé, có tiền căn gia đình bị loãng xương, mãn kinh sớm hay bị cắt buồng trứng. Loãng xương dễ dẫn đến gãy cổ xương đùi, xương cườm tay, đau lưng và còng lưng do cột sống bị sụp.

Phòng ngừa: Cần có chế độ ăn uống tăng canxi ngay từ tuổi vị thành niên, vận động và tập thể dục vừa sức, đồng thời tránh các yếu tố nguy cơ như hút thuốc, uống rượu, dùng thuốc corticoides.

Bệnh tim mạch: Bệnh tim mạch đặc biệt dễ xảy đến ở những người béo phì, cholesterol trong máu cao, cao huyết áp, tiểu đường, ít vận động, thường xuyên căng thẳng thần kinh, uống thuốc viên ngừa thai quá lâu và bị giảm oestrogen. Khoảng 70% phụ nữ béo phì dẫn đến bệnh suy động mạch vành, bệnh cao huyết áp và tiểu đường.

Phòng ngừa: Cần loại trừ các yếu tố nguy cơ. Hãy giữ chỉ số cơ thể BMI ở mức độ 18,8-25. Nên tới bệnh viện kiểm tra cholesterol trong máu, ổn định huyết áp ở mức trung bình. Nên bỏ thuốc lá, vận động nhiều, chế độ ăn ít muối, ít chất béo.

Ung thư cổ tử cung: Ung thư cổ tử cung có liên quan đến sinh đẻ nhiều, lấy chồng sớm, quan hệ tình dục không an toàn, viêm nhiễm cổ tử cung kéo dài, nhất là nhiễm virus herpès simplex II...

Phòng ngừa: Để chữa trị kịp thời, phụ nữ có chồng cần đi khám phụ khoa định kỳ 3 năm một lần hoặc ngay khi thấy có rong huyết sau giao hợp, dù rất ít.

Ung thư nội mạc tử cung: Bệnh thường gặp ở phụ nữ béo phì, cao huyết áp, tiểu đường hoặc có tiền căn vô sinh, rối loạn kinh nguyệt. Để phát hiện bệnh ở giai đoạn sớm nhất, cần khám phụ khoa định kỳ, khám khi có rong huyết ở tuổi mãn kinh.

Ung thư vú: Đây là nỗi ám ảnh của phụ nữ tuổi trung niên, là căn bệnh âm thầm mà rất nguy hiểm. Những yếu tố làm tăng nguy cơ ung thư vú ở phụ nữ trung niên gồm: gia đình có người từng bị ung thư vú (nguy cơ tăng gấp 3-5 lần), béo phì (nguy cơ cao gấp 3 lần), không cho con bú sữa mẹ hoặc không sinh con, có con đầu lòng quá muộn, dậy thì sớm và mãn kinh muộn. Mọi phụ nữ nên tự khám mỗi tháng xem có gì bất thường ở ngực, nhũ hoa... đồng thời cần được khám định kỳ ở các cơ sở y tế chuyên khoa mỗi năm một lần.

Theo Thanh Niên