Bệnh dịch tả lợn Châu Phi lan đến Sóc Trăng

(Dân trí) - Ngày 26/5, theo thông tin từ Chi cục Chăn nuôi - Thú y tỉnh Sóc Trăng, tỉnh này vừa xuất hiện bệnh dịch tả lợn Châu Phi.

Trước đó, đàn lợn (heo) 55 con của bà Lâm Thị Thu Sang (ngụ xã Thạnh Phú, huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng) có dấu hiệu bị bệnh.

Sau khi có kết quả kiểm nghiệm đàn lợn này dương tính với vi rút dịch tả lợn Châu Phi, chiều ngày 26/5, ngành Nông nghiệp tỉnh Sóc Trăng đã phối hợp với Chi cục Thú y vùng 7, chính quyền địa phương tiến hành tiêu hủy đàn lợn 55 con, với tổng trọng lượng trên 2,3 tấn,

Đây là ổ bệnh dịch tả lợn Châu Phi đầu tiên được phát hiện ở tỉnh Sóc Trăng.

Một cán bộ Chi cục Chăn nuôi - Thú y tỉnh Sóc Trăng cho biết, đàn lợn của chủ hộ nuôi nhỏ lẻ, chưa tiêm phòng đầy đủ các bệnh truyền nhiễm, con giống được mua từ ngoài tỉnh ở nhiều nguồn, chủ hộ sử dụng thức ăn viên và thức ăn thừa chưa qua xử lý nhiệt cho đàn lợn của gia đình ăn.

Bệnh dịch tả lợn Châu Phi lan đến Sóc Trăng - 1

Sóc Trăng tiêu hủy lợn bị bệnh dịch tả lợn Châu Phi. (Ảnh: STO)

Sau khi xuất hiện bệnh dịch tả lợn Châu Phi trên địa bàn, lãnh đạo UBND tỉnh Sóc Trăng đề nghị các cơ quan chức năng, địa phương theo dõi chặt chẽ tình hình dịch bệnh; tăng cường việc tiêu độc, sát trùng ở khu vực chăn nuôi; đẩy mạnh tuyên truyền để cảnh báo người dân và hộ chăn nuôi; nơi nào phát sinh ổ dịch phải báo cáo kịp thời để thực hiện các bước cần thiết trong việc xử lý lợn bệnh, chết;...

Tỉnh Sóc Trăng cũng đã lập các chốt kiểm soát trên các tuyến đường giáp ranh các tỉnh với tỉnh này (huyện Thạnh Trị, huyện Long Phú, thị xã Vĩnh Châu, thị xã Ngã Năm) nhằm tăng cường giám sát nguồn gốc lợn và sản phẩm từ lợn nhập vào tỉnh.

Theo số liệu của ngành thú y tỉnh Sóc Trăng, tổng đàn lợn của tỉnh hiện có khoảng 237.300 con, trong đó có 84 trang trại với tổng đàn 96.629 lợn thịt và 1.040 lợn nái, có 30 lò giết mổ gia súc, gia cầm, trong đó có lò có công suất giết mổ khoảng gần 300 con lợn/đêm.

Với các lò mổ này, cơ quan chức năng cho biết thương lái đưa lợn thịt từ các tỉnh lân cận về Sóc Trăng giết mổ phục vụ thị trường ở tỉnh mỗi ngày cũng khá nhiều, phần lớn lợn từ các tỉnh Bến Tre, Trà Vinh,..

Ngoài ra, Sóc Trăng cũng là nơi quá cảnh việc vận chuyển lợn từ nơi khác về các tỉnh Bạc Liêu, Cà Mau qua các tuyến đường quốc lộ 1, Quản lộ Phụng Hiệp, quốc lộ Nam Sông Hậu, quốc lộ 60 từ Trà Vinh sang địa bàn huyện Cù Lao Dung và Đại Ngãi (huyện Long Phú).

Cà Mau quyết liệt ứng phó

Trước tình hình bệnh dịch tả lợn Châu Phi không giảm mà có chiều hướng gia tăng nhanh, đã xảy ra tại một số tỉnh trong khu vực ĐBSCL, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau- ông Nguyễn Tiến Hải vừa có chỉ đạo nghiêm cấm: Các tổ chức, cá nhân hoạt động giết mổ lợn tại địa điểm không được cơ quan có thẩm quyền cho phép hoặc không bảo đảm yêu cầu vệ sinh thú y; giết mổ, vận chuyển lợn mắc bệnh, kinh doanh thịt lợn và sản phẩm từ lợn mang mầm bệnh; vận chuyển, kinh doanh thịt lợn không dấu kiểm soát giết mổ, không rõ nguồn gốc, không đảm bảo vệ sinh thú y trên địa bàn tỉnh.

Đối với các cơ sở kinh doanh, giết mổ mới, nếu muốn hành nghề phải đăng ký với cơ quan chức năng và chính quyền địa phương để thực hiện đầy đủ thủ tục theo đúng quy định.

Chủ tịch tỉnh yêu cầu các cơ sở kinh doanh, mua bán phải cam kết thực hiện mua thịt lợn và các sản phẩm từ lợn có nguồn gốc từ các lò giết mổ đã được cấp phép, có chứng nhận đảm bảo vệ sinh thú y, có nhân viên thú y thực hiện kiểm soát, đóng dấu,... 

"Nếu cơ quan chức năng kiểm tra, phát hiện cơ sở kinh doanh, mua bán, vận chuyển thịt lợn và các sản phẩm từ lợn không rõ nguồn gốc, không có dấu kiểm soát, không đảm bảo vệ sinh thú y,... sẽ tiến hành xử phạt vi phạm hành chính, tịch thu và tiêu hủy theo quy định", Chủ tịch tỉnh Cà Mau chỉ đạo rõ.

Xuân Lương - Huỳnh Hải