Bệnh bạch biến: Những đốm trắng loang lổ có thể trở về màu da bình thường
(Dân trí) - GS.TS Nguyễn Hữu Sáu, Phó Giám đốc Bệnh viện Da liễu Trung ương cho biết, hiện bệnh viện quản lý 1.500 bệnh nhân bạch biến. Đa số bệnh nhân đến viện ở giai đoạn tiến triển nhanh, lo lắng vì bệnh.
Sáng 23/6, tại sự kiện hưởng ứng Ngày Bạch biến thế giới (25/6), GS.TS Nguyễn Hữu Sáu, Phó Giám đốc Bệnh viện Da liễu Trung ương cho biết, tại Việt Nam chưa có thống kê chính thức về số người bị bạch biến, nhưng bệnh nhân có xu hướng tăng.
Chị Yến (tên nhân vật đã thay đổi) cho biết, 2 năm gần đây, chị mới dám ra khỏi nhà bởi những đốm trắng loang lổ trên mặt, trán, dưới chân tóc... khiến chị tự ti, mặc cảm.
Chị đi khám đủ nơi, uống, bôi đủ các thuốc đông y nhưng các vết loang trắng không biến mất. Có những thời điểm, chị còn bị viêm da sau khi sử dụng các sản phẩm này, khiến tổn thương da càng thêm trầm trọng.
Theo GS.TS Nguyễn Hữu Sáu, Phòng khám chuyên đề bạch biến, Bệnh viện Da liễu Trung ương hiện quản lý 1.500 người bệnh. Phần lớn người bệnh khi tới viện ở giai đoạn tiến triển nhanh, lo lắng vì chưa có hiểu biết về bệnh. Không ít người như bệnh nhân trên, tìm đủ phương thuốc điều trị theo truyền miệng, thuốc nam... nhưng những đốm trắng loang lổ không biến mất.
GS.TS Nguyễn Hữu Sáu cho biết, bạch biến là bệnh khó điều trị, nhưng khi điều trị sớm, kiểm soát tốt, các đốm trắng loang lổ hầu như trở về màu da bình thường, giúp người bệnh tự tin trở lại.
Theo TS.BS Đỗ Thị Thu Hiền, Trưởng nhóm Phòng khám chuyên đề "Bạch biến và bệnh da giảm sắc tố", Bệnh viện Da liễu Trung ương, đến nay chưa rõ nguyên nhân gây bệnh bạch biến, nhưng đây là bệnh mắc phải do miễn dịch, không có tính chất lây lan. Tuy nhiên, nếu bố, mẹ bị bạch biến, con cái cũng có nguy cơ mắc phải.
Bạch biến không ảnh hưởng tới tính mạng nhưng lại ảnh hưởng lớn tới thẩm mỹ, nhất là đối với các bệnh nhân nữ, nhiều người trở nên tự ti, ngại giao tiếp.
Bệnh bạch biến là bệnh lý có biểu hiện lâm sàng khá dễ nhận biết trong đa số các trường hợp, đặc biệt là khi được thăm khám bởi các bác sĩ chuyên khoa để chẩn đoán phân biệt với các bệnh lý khác có giảm sắc tố da.
Bệnh biểu hiện sớm là các tổn thương mất màu trên da, tăng dần kích thước.
Phương pháp điều trị tốt nhất tùy thuộc vào giai đoạn của bệnh, ở giai đoạn đầu các biện pháp điều trị tập trung vào mục tiêu làm cho bệnh ngừng tiến triển, ở giai đoạn bệnh đã ổn định, các biện pháp bôi thuốc, kết hợp với chiếu đèn và phẫu thuật giúp cải thiện màu sắc da, trả lại màu sắc da như cũ hoặc gần như cũ.
"Như ghép tế bào thượng bì tự thân không qua nuôi cấy. Phương pháp này được triển khai tại viện từ năm 2019 và cho tới nay đã ghép được khoảng 1.000 trường hợp, kết quả điều trị khả quan, tỉ lệ đáp ứng lên tới trên 90% đặc biệt là bạch biến vùng đầu mặt.
Bên cạnh đó, các kĩ thuật cải tiến trong kĩ thuật phối hợp giữa ghép tế bào thượng bì tự thân với ghép trung bì hay phối hợp với ghép nang tóc đang bước đầu được triển khai hứa hẹn sẽ giúp cải thiện kết quả điều trị ở các trường hợp bạch biến khó điều trị như bạch biến vùng đầu cực", TS Hiền thông tin.
Tuy nhiên, trên thực tế cũng có những bệnh nhân gặp thất bại trong điều trị, do thường xuyên bỏ điều trị, không hiểu rõ về bệnh, khiến bệnh chuyển sang giai đoạn khó điều trị hơn. Bên cạnh đó, nhiều người vì quá lo lắng, lại tin tưởng vào những quảng cáo điều trị bệnh dứt điểm trong thời gian ngắn nên đã làm lỡ đi cơ hội điều trị sớm.
Ngày bạch biến thế giới năm nay với chủ đề "Nhìn về tương lai", với mong muốn đem đến cho bệnh nhân bạch biến những cái nhìn tích cực hơn về cuộc sống, hướng tới tương lai. Bệnh viện Da liễu Trung ương cũng tổ chức tuần lễ khám và tư vấn miễn phí cho bệnh nhân và giảm 50% chi phí ghép tế bào tự thân điều trị bạch biến cho bệnh nhân từ ngày 17/6-30/6.