1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Bé trai trượt chỏm xương đùi cả 2 bên khi chơi đá bóng

(Dân trí) - Bị té khi đang chơi đá bóng, cậu bé 11 tuổi bị sưng, đau cả 2 chân, tình trạng ngày càng trở nặng. Các bác sĩ xác định, bệnh nhi bị trượt chỏm xương đùi cả 2 bên nguy cơ hoại tử.

Đó là trường hợp bé trai H.Đ.H. (11 tuổi, ngụ huyện Hóc Môn, TPHCM) được gia đình chuyển đến điều trị tại một bệnh viện ở TP Hồ Chí Minh.

Thời điểm vào viện, bệnh nhi bị sưng, đau dữ dội cả 2 chân, khi đi lại cảm giác đau càng nặng thêm khiến nỗ lực vận động của bé trở nên rất khó khăn.

Bé trai trượt chỏm xương đùi cả 2 bên khi chơi đá bóng - 1

Bệnh nhi nhập viện trong tình trạng trượt chỏm xương đùi cả 2 bên

Gia đình cho biết, trước đó khoảng 1 tháng, trong lúc chơi đá bóng cháu bị trượt té. Gia đình nghĩ chỉ bị chấn thương phần mềm bình thường nên cho bé nghỉ ngơi ở nhà theo dõi. Tuy nhiên, cảm giác đau ngày càng tăng khiến cậu bé không thể tự đi lại được, phải nhập viện. 

Qua thăm khám và chẩn đoán hình ảnh, bác sĩ Phan Văn Tiếp, chuyên khoa chấn thương chỉnh hình nhi cho biết, trên hình ảnh kiểm tra cho thấy, bệnh nhi bị trượt chỏm xương đùi cả 2 bên. Đây là trường hợp rất hiếm gặp nguyên nhân thường xuất phát từ tình trạng bệnh lý, cú té khi đang chơi đá bóng chỉ là yếu tố tình cờ để phát hiện bệnh.

Tình trạng trượt chỏm xương đùi khiến bệnh nhi đối mặt với nguy cơ hoại tử chỏm xương, ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển và khả năng vận động của cơ thể. Sau hội chẩn, các bác sĩ quyết định thực hiện cuộc phẫu thuật để giải phóng những cơn đau, đồng thời ngăn chặn nguy cơ hoại tử chỏm xương cho bệnh nhi.

Bé trai trượt chỏm xương đùi cả 2 bên khi chơi đá bóng - 2
Các bác sĩ đã thực hiện cuộc phẫu thuật cố định vị trí chỏm xương bị trượt

Ê kíp phẫu thuật đã dùng bàn kéo chỉnh hình, nắn chỏm xương đùi 2 bên trở lại vị trí tự nhiên, sau đó cố định chỏm xương đùi bằng 1 đinh vít dài 6.5x75mm. Sau cuộc mổ, bệnh nhi được bó bột đùi bàn chân 2 bên, tiếp tục theo dõi, điều trị hậu phẫu tại bệnh viện.

Từ trường hợp trên, bác sĩ Phan Văn Tiếp cho biết, trượt chỏm xương đùi thường xảy ra với tỉ lệ 1/10.000 người. Tình trạng trượt chỏm xương đùi cả 2 bên rất hiếm gặp. Đối tượng nguy cơ bị trượt chỏm xương đùi thường xảy ra ở những trẻ từ 10 đến 16 tuổi (bé trai thường bị hơn bé gái).

Bé trai trượt chỏm xương đùi cả 2 bên khi chơi đá bóng - 3
Chỏm xương đùi được cố định lại bằng đinh vít để tránh nguy cơ hoại tử, giúp xương phát triển

Nhóm trẻ bị béo phì, trẻ mắc các bệnh về nội tiết, bệnh về chuyển hóa… có yếu tố nguy cơ cao bị trượt chỏm xương đùi. Khi mắc bệnh, chỏm xương đùi sẽ trượt xuống dần dần, khiến máu nuôi chỏm thiếu, gây ra hoại tử chỏm, hư chỏm xương đùi. Nếu không điều trị, khớp háng bị phá hủy, trẻ sẽ không thể đi lại được. Muốn phục hồi chức năng vận động, trẻ sẽ phải thay chỏm xương đùi nhân tạo.

Từ trường hợp trên, bác sĩ khuyến cáo, khi thấy trẻ có những biểu hiện đau bất thường, phụ huynh nên đưa đến bệnh viện chuyên khoa để được khám, chẩn đoán sớm. Khi phát hiện trẻ bị trượt chỏm xương đùi, tùy từng trường hợp, bác sĩ sẽ theo dõi, điều trị bảo tồn hoặc phẫu thuật. Mục đích của phẫu thuật là nắn chỏm xương đùi lại đúng vị trí của cơ thể và cố định chỏm không trượt thêm, giúp cho chỏm phát triển tốt, duy trì chức năng vận động, tránh các biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra.

Vân Sơn