Bé trai tắc ruột, gắp ra hàng chục "con ngoe nguẩy"

Minh Nhật

(Dân trí) - Trong quá trình phẫu thuật, các bác sĩ tiến hành kiểm tra ruột non thấy giãn rộng, bên trong có búi giun đũa lớn gây tắc ruột.

BSCKII Triệu Văn Bộ, Trưởng Khoa Ngoại tổng hợp, Bệnh viện A Thái Nguyên cho biết, đơn vị này vừa phẫu thuật lấy búi giun khổng lồ trong ruột bệnh nhân V.V.T. (5 tuổi) cư trú tại xã Văn Lăng, huyện Đồng Hỷ.

Bệnh nhi vào viện ngày 10/4 trong tình trạng mệt mỏi, bụng chướng, đau bụng quặn cơn.

Sau khi siêu âm, chụp ổ bụng và tiến hành xét nghiệm, bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị tắc ruột do nhiễm quá nhiều giun, cần phẫu thuật cấp cứu để gắp giun ra.

Ngay lập tức bệnh nhân được gây mê nội khí quản để tiến hành phẫu thuật.

Trong quá trình phẫu thuật, các bác sĩ tiến hành kiểm tra ruột non thấy giãn rộng, bên trong có búi giun đũa lớn gây tắc ruột.

Ca mổ diễn ra liên tục trong khoảng 2 giờ, đã gắp được hơn 30 con giun đũa ra khỏi đường ruột bệnh nhi.

Sau khi gắp toàn bộ búi giun ra ngoài, bệnh nhi được rửa ổ bụng, khâu phục hồi ổ bụng. Sau mổ, bệnh nhi được theo dõi hồi sức tích cực, dùng kháng sinh và bù dịch, theo dõi và chăm sóc tại khoa Ngoại Tổng hợp. Hiện tại bệnh nhi đã tỉnh táo và dần ổn định.

Bé trai tắc ruột, gắp ra hàng chục con ngoe nguẩy - 1

Cần chú ý dấu hiệu đau bụng ở trẻ (Ảnh minh họa: Getty).

Theo BS Bộ, tắc ruột là một cấp cứu ngoại khoa nguy hiểm, nếu không xử lý kịp thời có thể dẫn đến hoại tử ruột và các biến chứng nguy hiểm, gây ảnh hưởng đến sức khỏe, thậm chí đe dọa đến tính mạng của trẻ.

Tắc ruột do nhiều nguyên nhân gây ra, trong đó nguyên nhân thường gặp ở trẻ là tắc ruột do giun đũa.

Bệnh giun đũa có tên khoa học là Ascaris lumbricoides. Khác với các loài ký sinh trùng khác, đây là loại giun có kích thước khá lớn, như một con giun cái trưởng thành có chiều dài từ 20 đến 25cm, giun đực là từ 15 đến 17cm.

Khi giun đũa cái đẻ trứng, nếu rơi vào trong đất, sau khoảng hai tuần, trứng giun sẽ phát triển thành ấu trùng giun. Nhiệt độ môi trường bình thường là vô cùng thuận lợi để ấu trùng giun tiếp tục vòng tuần hoàn.

Trứng giun chỉ bị tiêu diệt với nhiệt độ trên 60 độ C. Chính thói quen đi chân đất, tiếp xúc môi trường bên ngoài mà không có dụng cụ, phương tiện bảo vệ, không vệ sinh tay sạch sẽ,... là nguyên nhân gây bệnh giun đũa.

Giun có màu sắc trắng hay hồng, phần thân tròn còn phần đầu và phần đuôi thì thon nhọn. Vị trí ký sinh của giun đũa là ở ruột non của người.

Khi trẻ bị tắc ruột do giun sẽ có các triệu chứng như: đau quặn bụng, cơn đau tăng dần, khám thấy thành bụng căng, nhu động ruột giảm, kích thích phúc mạc vùng bụng, nôn hoặc trước đó có nôn ra giun…

Tắc ruột kéo dài có thể gây lồng ruột, xoắn ruột, xuất huyết hoặc hoại tử ruột, thậm chí gây thủng ruột, rối loạn điện giải, vô niệu, nguy hiểm đến tính mạng.

Nếu giun đi lạc chỗ lên phổi, người bệnh có thể đến khám vì lý do khò khè, khó thở mạn tính hay biểu hiện cấp tính như đau ngực dữ dội, ho khan, sốt cao.

Một số trường hợp hiếm gặp là thấy được giun sống chui ra từ phân khi trẻ đi tiêu hay bắt gặp giun chui ra từ miệng, mũi khi trẻ ngủ hay ho, sặc.

Qua đây, các bác sĩ khuyến cáo: Để phòng ngừa bệnh, cần đảm bảo giữ vệ sinh cá nhân, đặc biệt rửa tay trước khi ăn uống.

Thực hiện ăn chín uống sôi, môi trường sống sạch sẽ. Không để móng tay dài dễ dính, bám đất cát và lây nhiễm trứng giun.

Cha mẹ nên tiến hành tẩy giun cho trẻ theo định kỳ 6 tháng hoặc mỗi năm một lần để đảm bảo sức khỏe cho các trẻ.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm