Bé trai 2 tuổi vừa bị máu khó đông, vừa mắc căn bệnh "không thể giật mình"
(Dân trí) - Khi con lên 6 tháng tuổi, cha mẹ bệnh nhi đã 2 lần sống trong nỗi đau vì bé vừa bị tình trạng máu khó đông hiếm gặp, vừa mắc căn bệnh khiến bản thân không có biểu hiện giật mình.
Ngày 19/12, đại diện Bệnh viện Nguyễn Tri Phương (TPHCM) cho biết, vừa qua các bác sĩ nơi này đã thực hiện ca phẫu thuật mang lại thanh âm cuộc sống cho một bệnh nhi mắc cùng lúc 2 căn bệnh quái ác.
Bệnh nhi là một bé trai hơn 2 tuổi, vừa sinh ra đã được chẩn đoán mắc bệnh máu khó đông di truyền thể nặng (Hemophilia B). Đến khi bé 6 tháng tuổi, bố mẹ bệnh nhi lại tá hỏa khi phát hiện con không có biểu hiện giật mình khi có tiếng động mạnh bất ngờ, hoàn toàn không đáp ứng với âm thanh.
Tại bệnh viện, sau khi làm các kiểm tra thính học, các phát hiện bé điếc rất nặng, không thể nghe được kể cả khi có dùng máy trợ thính, cũng không nói được gì.
PGS.TS.BS Lâm Huyền Trân, Trưởng khoa Tai Mũi Họng, Bệnh viện Nguyễn Tri Phương nhận định, bệnh nhi cần phải phẫu thuật cấy ốc tai sớm, vì đây là giai đoạn vàng của điều trị. Nhưng tình trạng máu khó đông làm các bác sĩ lo lắng, bởi sẽ làm cho nguy cơ chảy máu trong và sau cuộc mổ tăng lên nhiều lần.
Lúc này, ekip điều trị đã tiến hành hội chẩn với bác sĩ khoa Huyết học, Bệnh viện Nhi đồng 1 để chuẩn bị sẵn sàng các thuốc đông cầm máu cho bé. Các bác sĩ cũng hết sức thận trọng và tỉ mỉ trong từng khâu, vì chỉ cần tổn thương mạch máu hoặc màng não sẽ tăng nguy cơ biến chứng nặng, thậm chí là chảy máu nội sọ gây tử vong.
Với sự chuẩn bị chu đáo, ca phẫu thuật cấy ốc tai cho bệnh nhi đã thành công, mang lại cho bé cơ hội có thể nghe và nói được như trẻ bình thường. Ốc tai được sử dụng là loại ốc tai điện tử được thiết kế giúp chuyển các tín hiệu sóng âm thành sóng điện, thay thế cho ốc tai bệnh lý, phù hợp cho các bệnh nhân nghe kém nặng và sâu.
Theo các bác sĩ, tần suất trẻ mắc bệnh Hemophilia B là 4/100.000 bé trai, còn điếc bẩm sinh là 1,5-3 /1.000 bé. Ở bệnh nhân Hemophilia, điều này đặc biệt nguy hiểm là khi trẻ bị chấn thương hoặc phẫu thuật có thể chảy máu khó cầm.
Riêng với trẻ gặp vấn đề liên quan đến câm điếc, để đánh giá sức nghe, người ta có thể thực hiện bằng máy đo thính lực hoặc bằng giọng nói. Ở gia đình, người lớn có thể đứng phía sau cách trẻ một cánh tay, hướng dẫn trẻ dùng tay đè lên nắp tai bên kia nói thầm nhiều từ để kiểm tra xem trẻ có điếc hay không.
Đối với trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ trong độ tuổi 1-3 tuổi, cha mẹ có thể quan sát phản ứng của bé, xem có chớp mắt, mở mắt, vặn mình, cử động chân tay trước những tiếng động hay không. Nếu đã phát hiện trẻ bị giảm thính lực hoặc bị điếc, cần phải điều trị sớm để giảm tác hại của bệnh.
Bác sĩ phân tích thêm, có một số trường hợp trẻ đi tắm biển về, hoặc sau khi tắm gội bị điếc luôn một hoặc hai tai vì giảm thính lực do tai ngoài. Nguyên nhân do nước vào tai, hoặc ráy tai bị nở ra, bít kín đường truyền âm thanh đến màng nhĩ. Khi lấy ráy tai ra, trẻ sẽ nghe lại bình thường.
Nếu là điếc bệnh lý nhưng không được phát hiện và điều trị kịp thời, trẻ có thể bị biến chứng viêm tai giữa thủng màng nhĩ. Ngoài ra, còn có tình trạng điếc đột ngột sau một đêm ngủ dậy do bệnh lý ở tai trong. Đây là một cấp cứu tai mũi họng.
Với bệnh nhân điếc sau khi đã điều trị bằng thuốc nhưng vẫn không giao tiếp bình thường, cần cho trẻ dùng máy trợ thính, hoặc phẫu thuật cấy điện ốc tai.
Trẻ bị điếc hoặc giảm thính lực từ nhỏ sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống, vì trẻ không đi học được, tính cách dần thay đổi. Do đó, các bác sĩ khuyến cáo, bệnh nhi điếc nặng bẩm sinh cần được can thiệp phẫu thuật sớm. Kết quả phẫu thuật cấy ốc tai có thể giúp khoảng 80-90% người điếc nghe được. Ở những trường hợp phục hồi tốt, bệnh nhân có thể giao tiếp qua điện thoại, cải thiện chất lượng cuộc sống đáng kể.