Bé trai 18 tháng tuổi bị cây nĩa xuyên thấu thành họng

(Dân trí) - Do không quan sát, cậu anh trai vô tình chạy tới tông trực diện vào em đúng lúc cháu đang ngậm chiếc nĩa nhựa trong miệng khiến dị vật đâm thấu thành họng phía sau.

Tai nạn sinh hoạt rất nguy hiểm trên vừa xảy đến với cậu bé N.T.L. (18 tháng tuổi, ngụ tại Tiền Giang). Ngày 18/3, thông tin từ Bệnh viện Nhi Đồng Thành Phố cho biết, cháu được gia đình chuyển thẳng đến đây trong tình trạng đau đớn, khó thở, liên tục nôn ói, chảy máu từ vùng họng.

Bé trai 18 tháng tuổi bị cây nĩa xuyên thấu thành họng - 1

Mũi tên màu đỏ là vị trí ngạnh cây nĩa xuyên vào thành họng sau của bệnh nhi

Qua khai thác bệnh sử của bác sĩ từ phía gia đình bệnh nhi ghi nhận, trước đó cháu ở nhà chơi cùng anh trai (3 tuổi). Trong lúc bé đang ngậm cây nĩa nhựa trong miệng thì bị người anh chạy thiếu quan sát nên vô tình tông trực diện vào người. Thấy con khóc thét trong đau đớn, người mẹ chạy tới thì tá hỏa phát hiện cây nĩa nhựa đã đâm sâu vào miệng khiến bé bị chảy máu.

Người mẹ ngay lập tức thực hiện sơ cứu, đỡ bé nằm sấp và vô lưng, chiếc nĩa rơi ra ngoài còn 1 ngạnh, 2 ngạnh khác cũng được tống ra ngoài nhưng còn ngạnh thứ 4 thì không tìm thấy. Trước tình trạng bé đau đớn nhiều, liên tục nôn ói, chảy máu, ngay lập tức người nhà chuyển thẳng lên Bệnh viện Nhi Đồng Thành Phố.

Tại đây, bệnh nhi được các bác sĩ khoa Tiêu Hóa nội soi để tìm dị vật nhưng không thấy. Kết quả tìm kiếm qua hình ảnh chụp CT-Scan vùng cổ, bác sĩ phát hiện thấy dị vật dài khoảng 2cm nằm sâu trong thành sau họng, dọc cột sống cổ. Đây là vị trí khá nguy hiểm, không thể lấy dị vật bằng nội soi, sau hội chẩn nhanh, các bác sĩ chuyên khoa Tai Mũi Họng quyết định thực hiện phẫu thuật bóc tách cơ thành sau họng.

Bé trai 18 tháng tuổi bị cây nĩa xuyên thấu thành họng - 2
Dị vật được bác sĩ phẫu thuật lấy ra ngoài thành công

Cuộc phẫu thuật đã diễn ra thuận lợi, ê kíp bác sĩ lấy được dị vật là một thanh nhựa trắng, mảnh, dài khoảng 2cm đang ghim sâu vào thành họng bệnh nhi. Sau phẫu thuật cậu bé đã tỉnh táo, hết khó thở, hết chảy máu, không nôn ói. 

Qua trường hợp trên, BS Nguyễn Minh Tiến cảnh báo phụ huynh không nên cho trẻ chơi những món đồ có kích thước nhỏ vì trẻ có thể ngậm nuốt gây dị vật đường tiêu hóa hoặc đường thở, tắc nghẽn hô hấp, cũng như các tổn thương khác có thể nguy hiểm tính mạng trẻ. Trẻ nhỏ dưới 5 tuổi không để trẻ ngậm muỗng, nĩa, đũa, bút… Thói quen ngậm các đồ vật sẽ đối mặt với nguy cơ bị tổn thương khi trẻ té hoặc va chạm bất ngờ với người khác.

Vân Sơn