1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Bé hôn mê, thở máy vì mẹ cho dùng thuốc cam chữa viêm da cơ địa

(Dân trí) - Bị sốt, lở loét miệng; bị viêm da cơ địa; hay đơn giản chỉ là bé kém ăn… nhiều phụ huynh tin tưởng vào loại thuốc cam thần thánh chữa bách bệnh để rồi nhiều trẻ rơi vào tình trạng hôn mê, co giật vì ngộ độc chì trong thuốc cam.

Con gặp họa vì cha mẹ lạm dụng thuốc cam chữa bách bệnh

BS Dương Văn Linh, trưởng khoa Hồi sức cấp cứu (BV Sản Nhi Quảng Ninh) cho biết, thời gian gần đây viện tiếp nhận nhiều trường hợp trẻ bị co giật dẫn đến hôn mê sau khi sử dụng thuốc cam không rõ nguồn gốc.

Bé trai Bùi Anh D (5 tháng tuổi, Xã Thụy Phong, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình) được đưa đến khoa Hồi sức Cấp cứu hôm 16/6 trong tình trạng biếng ăn, nôn tự nhiên, đi ngoài phân lỏng nhiều lần, co giật toàn thân...

Bệnh nhi vẫn đang phải thở máy, điều trị thải độc chì. Ảnh: BS cung cấp.
Bệnh nhi vẫn đang phải thở máy, điều trị thải độc chì. Ảnh: BS cung cấp.

Người nhà bệnh nhi cho biết, bé D vốn bị viêm da cơ địa nên gần đây, gia đình nghe giới thiệu loại thuốc cam chữa khỏi bệnh nên đã mua về, bôi da cho bé D khoảng 20 ngày. Sau khi bôi một thời gian, bé D hay có biểu hiện co giật, tím tái, bỏ bú gia đình vội đưa cháu vào bệnh viện.

Nghi ngờ bệnh nhân ngộ độc chì do thuốc cam, các bác sĩ đã lấy máu xét nghiệm, phát hiện hàm lượng chì trong máu của bệnh nhi là 65 µg/dL.

“Hàm lượng chì trong máu cho thấy bệnh nhi bị nhiễm độc chì nặng, gấp 13 lần ngưỡng khuyến cáo (hàm lượng chì trong máu không quá 5 µg/dL). Ngay lập tức, bệnh nhi được nhập viện cấp cứu, điều trị tích cực bằng thở máy, an thần, bù nước điện giải, chống co giật, truyền máu cho bé”, BS Linh cho biết.


Lọ thuốc cam gia đình mua, bôi để chữa viêm da cơ địa cho trẻ. Ảnh: BS cung cấp.

Lọ thuốc cam gia đình mua, bôi để chữa viêm da cơ địa cho trẻ. Ảnh: BS cung cấp.

Một trường hợp khác là bé gái Liễu Thùy V (10 tháng tuổi, Xã Tân Mỹ, huyện Văn Lãng, tỉnh Lạng Sơn) cũng được gia đình đưa đến BV Sản Nhi Quảng Ninh trong tình trạng xuất hiện nôn, co giật toàn thân...

Theo gia đình, trước đó một thời gian bé V bị ngã xe vòng khoảng 3 bậc thang xuống đất, đập vùng mặt xuống nền cứng nhưng sau ngã bé tỉnh táo, không sốt, không nôn. Nên gần đây, khi trẻ thường xuyên quấy khóc, nôn, co giật, gia đình cứ nghĩ đến di chứng của cú ngã xe nên đưa trẻ đi khám tại viện.

Khi hỏi tiền sử bệnh nhi, các bác sĩ chú ý đến việc cha mẹ cho trẻ dùng thuốc cam trước đó. Đúng như suy đoán, kết quả xét nghiệm cho thấy trẻ bị ngộ độc chì và hiện vẫn đang phải điều trị tích cực tại Khoa Hồi sức cấp cứu…

Tại BV Sản Nhi Vĩnh Phúc đầu tháng 6 cũng tiếp nhận bệnh nhi sốt, co giật sau khi được người nhà sử dụng thuốc cam và một loại hạ sốt gói 250 chữa loét miệng, sốt trong gần 10 ngày. Cha mẹ không nhớ rõ số lần trẻ uống thuốc.

Tại thời điểm nhập viện bệnh nhi có men gan cao gấp 50 lần bình thường (khả năng do quá liều paracetamol), nghi ngờ có kèm ngộ độc chì do thuốc cam nên trẻ được làm thêm xét nghiệm định lượng chì, cho thấy trẻ ngộ độc chì.

Hiện tại trẻ đã hết sốt, ăn được, men gan trở về bình thường nhưng vẫn tiếp tục phải điều trị thải độc chì.

Di chứng não suốt đời

Theo BS Dương Văn Linh, thuốc cam là một loại thuốc Đông y có thành phần từ rất nhiều những cây thuốc Nam và dược liệu kết hợp, từ xưa đã được các bà các mẹ tin là thứ thuốc bổ, giúp con hết biếng ăn, ăn tốt, mau tăng cân hoặc dùng để chữa các bệnh lở loét, tưa lưỡi, viêm nhiễm, tiêu chảy...cho trẻ em.

Tuy nhiên, ở những loại thuốc cam không rõ nguồn gốc có thể nhiễm chì, vì vậy các bác sĩ khuyến cáo, phụ huynh không nên cho trẻ uống thuốc cam bừa bãi.

Khi bị nhiễm độc chì gây ra rất nhiều nguy cơ cho trẻ, thậm chí gây tổn thương vĩnh viễn hệ thần kinh; Di chứng tới não; Thậm chí là tử vong.

Bộ Y tế đánh giá ngộ độc chì rất nguy hiểm, nhất là ở trẻ em. Ở trẻ em ngộ độc chì với nồng độ chì trong máu > 70 µg/dL thường gây hội chứng não cấp ở trẻ nhỏ. Trong khi đó, hội chứng não cấp dễ gây tử vong hoặc di chứng thần kinh, tâm thần nặng nề với tỷ lệ tử vong là 65% khi chưa có thuốc gắp chì và giảm xuống <5% khi có thuốc gắp chì có hiệu quả. Khoảng 25 - 30% trẻ sẽ bị di chứng vĩnh viễn gây chậm phát triển trí tuệ, co giật, mù, liệt…

Tuy nhiên nguy hiểm ở chỗ, phần lớn các trẻ có chì máu tăng nhưng không có triệu chứng rõ và vẫn có nguy cơ để lại di chứng về trí tuệ, thể chất. Vì thế, nếu có nguy cơ nhiễm độc chì từ thuốc nam, môi trường sống… nên đưa trẻ tới bệnh viện kiểm tra để được xét nghiệm máu khẳng định và điều trị.

Hồng Hải