1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Bé gái ở Tây Ninh nguy kịch do não mô cầu nhóm B chưa tiêm vaccine

Trường Thịnh Tuệ Diễm

(Dân trí) - Các chuyên gia nhận định nhóm não mô cầu B gây nhiễm trùng huyết nguy kịch cho bé gái ở Tây Ninh là nhóm thường gặp nhất tại Việt Nam trong 15 năm qua. Bệnh hiện có vaccine giúp phòng ngừa sớm từ 2 tháng tuổi.

Thông tin mới nhất từ Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (TPHCM) cho biết sau gần 2 tuần điều trị tích cực, bé gái 6 tuổi ở Tây Ninh nhiễm khuẩn huyết do não mô cầu khuẩn mới thoát khỏi nguy kịch. Kết quả xét nghiệm PCR chẩn đoán bé bị nhiễm não mô cầu nhóm B, chưa tiêm vaccine. Trước đó, bé nhập viện sau 2 ngày sốt cao, đau nhức khắp người, đau bụng, nổi tử ban rải rác toàn thân.

Nhóm não mô cầu B phổ biến trong 15 năm qua

Bác sĩ Trương Hữu Khanh, Phó Chủ tịch Liên chi hội Truyền nhiễm TPHCM cho biết vi khuẩn não mô cầu có 13 nhóm huyết thanh gây bệnh, trong đó 5 nhóm A, B, C, Y, W-135 thường gặp. Đặc biệt, nhóm B là tác nhân phổ biến nhất tại Việt Nam trong vòng 15 năm qua, gây các bệnh cảnh nguy hiểm như viêm màng não, nhiễm khuẩn huyết, viêm phổi.

Viêm màng não mô cầu được xem là "bệnh tử" vì có thể giết chết người khỏe mạnh nhanh chóng. Theo dữ liệu giám sát của Bộ Y tế Công cộng Anh, khoảng 9/10 trẻ và thanh thiếu niên tử vong do viêm màng não mô cầu không qua khỏi trong 24 giờ, kể từ khi được chẩn đoán.

Bé gái ở Tây Ninh nguy kịch do não mô cầu nhóm B chưa tiêm vaccine - 1

Dấu hiệu tử ban điển hình trên da của trẻ mắc viêm màng não mô cầu (Ảnh: Meningitis Now).

"Trẻ mắc não mô cầu có thể tử vong trước cả 24 giờ khiến người nhà rất sốc vì buổi sáng trẻ còn đến trường khỏe mạnh nhưng tối đã rơi vào nguy kịch. Chi phí điều trị bệnh rất tốn kém, có khi lên đến hàng trăm triệu đồng, phải huy động nhiều thiết bị, nhân lực, chưa kể gánh nặng chăm sóc người tàn tật về sau", bác sĩ Khanh cho hay và lưu ý chi phí tiêm vaccine không đáng kể so với hậu quả do bệnh gây ra.

Hệ thống giám sát trọng điểm viêm màng não do Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương điều hành thu thập dữ liệu từ Bệnh viện Nhi đồng 1 và 2 (TPHCM), Bệnh viện Nhi Trung ương (Hà Nội) từ năm 2012 cho thấy, hầu hết các ca viêm màng não mô cầu do nhóm B. Báo cáo 15 ca biến chứng nặng tại Bệnh viện Nhi Trung ương từ 2016-2020 cũng do nhóm B gây ra.

Não mô cầu khuẩn sống ở vùng hầu họng, lây từ người bệnh và người mang vi khuẩn không biểu hiện triệu chứng sang người lành. Nghiên cứu cho thấy tỷ lệ người khỏe mạnh mang vi khuẩn não mô cầu nhóm B, nhất là nhóm thanh, thiếu niên cũng chiếm tỷ lệ cao. Kết quả theo dõi tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 từ năm 2012-2024 phát hiện, khoảng 25% tân binh ở độ tuổi 18-25 mang vi khuẩn không có triệu chứng, trong đó nhóm B chiếm hơn 50%.

Bác sĩ Bạch Thị Chính, Giám đốc Y khoa Hệ thống tiêm chủng VNVC cho biết dữ liệu báo cáo về số ca não mô cầu ở Việt Nam có thể thấp hơn thực tế do việc thiếu kinh nghiệm trong chẩn đoán và hệ thống giám sát dẫn đến bỏ sót ca bệnh. Bên cạnh đó, tình trạng lạm dụng kháng sinh có thể gây ảnh hưởng kết quả xét nghiệm.

Theo bác sĩ Chính, trẻ dưới 1 tuổi, đặc biệt là dưới 5 tháng có nguy cơ mắc não mô cầu nhóm B cao nhất. Nghiên cứu đăng tải ở Thư viện Y khoa Quốc gia Mỹ vào tháng 3/2022 cho thấy viêm màng não mô cầu ở trẻ dưới 1 tuổi do nhóm B chiếm khoảng 60% ca bệnh.

Một nghiên cứu khác tại Ý từ năm 2007-2017 cho thấy 81% trường hợp viêm màng não xảy ra ở trẻ trong năm đầu đời do nhóm huyết thanh B và hơn một nửa ở trẻ 4-8 tháng tuổi. Ở trẻ dưới 1 tuổi, tỷ lệ mắc viêm màng não mô cầu cao gấp 10 lần so với tỷ lệ dân số và nhóm huyết thanh B chiếm 65% số ca.

Tại Việt Nam, vào năm 2016 và 2022, Bệnh viện Nhi đồng 1 và Bệnh nhiệt đới TPHCM từng ghi nhận 2 ca mắc não mô cầu B xảy ra ở bé gái 5 tháng tuổi và bé trai 4,5 tháng. Cả hai bệnh nhi đều nhập viện trong tình trạng nguy kịch, tử ban lan rộng trên da và sốc nhiễm khuẩn huyết. Bé trai sau đó dù qua khỏi nhưng phải cắt cụt chi còn bé gái tử vong sau hơn 8 giờ nhập viện.

Chặn viêm màng não mô cầu bằng tiêm vaccine cho trẻ từ 2 tháng

Theo bác sĩ Chính, đặc thù của viêm màng não là diễn biến nhanh. Trẻ cần được phát hiện, điều trị sớm mới có thể tránh biến chứng. Tuy nhiên, viêm màng não dễ nhầm lẫn với các bệnh đau đầu hoặc thần kinh. Các triệu chứng ban đầu của bệnh gồm nôn ói, sốt không đặc trưng khiến phụ huynh khó có thể tự phân biệt với các bệnh do nhiễm siêu vi khác. Do vậy, tiêm chủng vaccine là giải pháp hiệu quả nhất cho trẻ em và người lớn.

Theo đó, trẻ ngay từ 2 tháng đến người 55 tuổi cần tiêm vaccine não mô cầu để được bảo vệ toàn diện. Hiện Hệ thống tiêm chủng VNVC có đầy đủ 3 loại vaccine phòng 5 nhóm não mô cầu nguy hiểm nhất tại Việt Nam gồm nhóm B (Bexsero) phòng bệnh sớm từ 2 tháng tuổi đến 50 tuổi, nhóm BC (Mengoc-BC) phòng bệnh từ 6 tháng đến 45 tuổi, nhóm ACYW-135 (Menactra) phòng bệnh từ 9 tháng đến 55 tuổi.

Bé gái ở Tây Ninh nguy kịch do não mô cầu nhóm B chưa tiêm vaccine - 2

Trẻ nên tiêm vaccine não mô cầu khi đủ tuổi (Ảnh: Tấn Lộc).

Trong đó, Bexsero là loại vaccine phòng viêm màng não mô cầu nhóm B thế hệ mới vừa được Hệ thống tiêm chủng VNVC cùng hãng vaccine và dược phẩm hàng đầu thế giới GSK (Bỉ) đưa về và triển khai tiêm tại Việt Nam, đáp ứng nhu cầu phòng bệnh sớm của người dân.

Đây là loại vaccine thế hệ mới sản xuất theo công nghệ hiện đại, chứa 4 thành phần kháng nguyên của nhóm B, phổ bảo vệ và bao phủ rộng, hiệu quả đến 95%, có hiệu lực cả với các dị chủng không có trong vaccine. Còn Mengoc BC (Cuba) có lịch tiêm từ 6 tháng đến 45 tuổi, sản xuất theo công nghệ túi màng ngoài, chứa 1 thành phần kháng nguyên nhóm B nên hiệu quả bảo vệ nhóm B hẹp hơn.

Menactra là vaccine thế hệ mới, sản xuất theo công nghệ polysaccharide cộng hợp do hãng dược phẩm hàng đầu Sanofi Pasteur (Pháp) sản xuất tại Mỹ, hiệu quả cao phòng 4 nhóm ACYW-135, tiêm cho trẻ từ 9 tháng đến người 55 tuổi.

"Các vaccine não mô cầu không có miễn dịch phòng ngừa chéo nên trẻ em và người lớn cần tiêm sớm và đầy đủ các vaccine phòng 5 nhóm huyết thanh gây bệnh kể trên mà không nên trì hoãn hoặc chỉ tiêm loại này mà bỏ qua loại khác", bác sĩ Chính lưu ý.