1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Bé gái 18 tháng tuổi bị bỏng nặng ở nhà trẻ

(Dân trí) - Sau giờ tăng ca, người mẹ vội đến nhà trẻ đón con thì phát hiện vùng miệng, cằm của bé bị bỏng nặng. Sau khi đưa con đến bệnh viện cấp cứu, điều trị người mẹ bức xúc cho rằng nhà trẻ gây họa cho con mình rồi bỏ mặc.

Bỏng do tự làm đổ ly nước sôi?

Đó là trường hợp của bé Nguyễn Hoàng Ngân (18 tháng tuổi) con gái chị Nguyễn Thị Lài (35 tuổi, quê Quảng Bình, hiện đang tạm trú tại xã Trung Chánh, huyện Hóc Môn, TPHCM).

Theo nội dung phản ánh đến Báo Dân trí, chị Lài cho biết: “Tôi là mẹ đơn thân, hiện đang làm công nhân may tại Sài Gòn. Gần 1 năm qua, để có thời gian đi làm, kiếm tiền nuôi con, tôi gửi bé cho một cơ sở giữ trẻ tư nhân, không có bảng hiệu tại Ấp Mới 2, xã Trung Chánh, huyện Hóc Môn. Cơ sở này giữ khoảng 13 đến 15 bé, người trực nhận trông giữ con tôi là cô Mỹ Nga”.

Vùng miệng, cằm của bé bị sưng phồng thời điểm được chuyển đến bệnh viện
Vùng miệng, cằm của bé bị sưng phồng thời điểm được chuyển đến bệnh viện

Sáng 15/9, trước khi đi làm, chị Lài mang con đến nhà trẻ gửi như thường lệ. Khoảng 18 giờ 30 phút cùng ngày, người mẹ vội trở về đón con thì thấy bé quấy khóc, chị tá hoả phát hiện bé bị sưng phồng, tấy đỏ ở miệng và cằm. “Tôi hỏi cô Mỹ Nga thì cô nói con tôi làm đổ ly nước sôi vào đúng vùng miệng nên bị bỏng. Tôi hỏi vì sao không đưa con tôi đi bác sĩ thì cô nói có gọi điện thoại nhiều cuộc cho tôi để thông báo tình hình của bé nhưng thực tế tôi mở máy kiểm tra hoàn toàn không thấy cuộc gọi nhỡ nào”.

Chị Lài cho biết thêm: “Thời điểm tôi đến đón bé, gia đình cô giáo đang quây quần ăn lẩu. Tôi không biết con mình bị bỏng do nước sôi hay bỏng do nguyên nhân gì nhưng tôi nghi ngờ có bất thường xảy ra với bé. Cô nói, bé làm đổ ly nước sôi từ trên bàn xuống gây bỏng. Nguyên nhân cô giáo đưa ra không hợp lý, tôi cho rằng ly nước đổ thì sẽ bỏng các vùng khác trên cơ thể, không thể bỏng mình vùng miệng cằm”.

“Thương tích do bỏng gây ra có dấu hiệu con tôi bị một vành ly lớn úp lên cả vùng môi trên và môi dưới. Bé không biết nói, nhưng rất sợ hãi, từ ngày bị nạn đến nay, con tôi phải nằm viện liên tục, bé bị bỏng cả trong miệng nên không ăn uống được phải đặt ống nuôi ăn trực tiếp vào dạ dày. Nhìn con đau đớn, sụt mất gần 2kg sau hơn 1 tuần nằm viện tôi xót xa vô cùng”, người mẹ nghẹn ngào.

Cơ sở giữ trẻ “phủi” trách nhiệm

Được biết, sau khi chị Lài phát hiện con bị nạn và phản ứng thì chủ cơ sở giữ trẻ mới đưa bé đến bệnh viện địa phương. “Qua thăm khám, bác sĩ xác định, tình trạng bỏng của con tôi rất nặng nên đề nghị đưa bé đến Bệnh viện Nhi đồng 1”.

Sau 10 ngày điều trị, sức khỏe bệnh nhi đã tạm ổn
Sau 10 ngày điều trị, sức khỏe bệnh nhi đã tạm ổn

Thời điểm bệnh nhi nhập viện, bác sĩ xác định bé bị bỏng vùng miệng, cằm (độ II; III). Bệnh nhi không bị bỏng thực quản, không bị bỏng hô hấp. Tuy nhiên, do vùng bỏng gây đau khó khăn trong việc ăn uống nên bé được đặt ống nuôi ăn trực tiếp vào dạ dày. Sau 10 ngày điều trị bằng kháng sinh, giảm đau, chăm sóc vết thương liên tục hiện sức khỏe bệnh nhi đã tạm ổn.

Chị Lài cho biết, mỗi tháng chị phải chi trả 2,5 đến 2,6 triệu đồng (tùy thời gian tăng ca của chị ở công ty) để gửi con tại cơ sở của cô Mỹ Nga. Hai bên không có hợp đồng trông giữ trẻ mà chỉ thỏa thuận miệng với nhau. “Tôi bất đắc dĩ phải gửi con để đi làm kiếm tiền. Sự tắc trách của cơ sở giữ trẻ chẳng những khiến con tôi gặp nạn mà còn khiến tôi đối mặt với nguy cơ mất việc vì nghỉ làm quá nhiều ngày”.

Tuy nhiên: “Đổi lại những thiệt thòi mẹ con tôi phải gánh chịu là sự vô cảm của cơ sở giữ trẻ, từ ngày con tôi nằm viện đến nay họ chỉ đến đóng 2 triệu viện phí và hỗ trợ thêm 1 triệu rồi chẳng thấy nói năng gì nữa. Tôi yêu cầu họ phải có trách nhiệm hỗ trợ mẹ con tôi trong lúc khó khăn nhưng họ không muốn hợp tác mà cho rằng tôi ăn vạ họ. Tôi bức xúc nên đã gửi đơn khiếu nại đến chính quyền địa phương”.

Được biết, sau khi tiếp nhận đơn khiếu nại của chị Lài, ngày 21/9, cơ quan công an đã mời 2 bên đến làm việc.

Dân trí sẽ tiếp tục thông tin vụ việc đến bạn đọc.

Vân Sơn