Bé 5 tuổi nhiều lần đột quỵ vì "làn khói" trong não
(Dân trí) - Khi vận động mạnh hoặc khóc bệnh nhi thường yếu tay chân, rơi vào cơn đột quỵ diễn tiến ngày càng nặng. Kết quả kiểm tra của bác sĩ cho thấy, hệ mạch máu não của bệnh nhi như một "làn khói" trong não.
Đó là trường hợp của bệnh nhi Nguyễn Thị Thu N. (5 tuổi, ngụ tại tỉnh Đắk Nông) vừa được Bệnh viện Nhi Đồng 1, TPHCM tiếp nhận, điều trị. Khai thác bệnh sử của bác sĩ từ phía gia đình ghi nhận, trước thời điểm nhập viện khoảng 6 tháng, bệnh nhi có biểu hiện đột ngột bị yếu tay chân bên trái, sau đó cơ thể tự bình phục.
Tuy nhiên, gần đây, tình trạng trên lặp lại nhiều lần và ngày càng nặng thêm, các cơn đột quỵ thường xảy ra khi bé khóc hoặc vận động mạnh. Gia đình đã đưa bé đến thăm khám tại bệnh viện tuyến cơ sở nhưng không phát hiện bất thường, bé được chuyển đến Bệnh viện Nhi Đồng 1 để kiểm tra chuyên môn sâu.
Các kết quả kiểm tra chuyên sâu cho thấy, bệnh nhi bị tổn thương, tắc nghẽn 2 mạch máu chính của não gây nguy cơ đột quỵ có tên của một nhà nghiên cứu người Nhật Bản là Moyamoya. Kết quả kiểm tra và dựng hình ảnh mạch máu của bệnh nhi cho thấy, hệ mạch máu trong não chỉ còn như một làn khói trắng, bệnh nhi đối mặt với nguy cơ có thể tử vong bất kỳ lúc nào.
Theo phân tích của Bs Phan Minh Trí, khoa Ngoại tổng hợp, bệnh có tần suất gặp phải khoảng 1/100.000 trẻ với triệu chứng chính là liệt đột ngột hoàn toàn một bên, có hồi phục nhưng sau đó lại diễn tiến nặng dần dẫn tới tử vong từ 5 đến 10 tuổi nếu không được phát hiện, can thiệp kịp thời.
Đây là bệnh lý gây ra bởi tình trạng viêm vô căn dẫn tới tắc dần hệ động mạch cảnh trong (động mạch chính cấp máu nuôi não). Tình trạng hẹp, tắc động mạch khiến bệnh nhi rơi vào nhồi máu não, đột quỵ. Theo thời gian não bệnh nhân sẽ bị tổn hại do quá trình thiếu máu. May mắn, bệnh có thể được điều trị bằng vi phẫu. Có nhiều phương pháp phẫu thuật khác nhau, trong đó nối bắc cầu mạch máu trong và ngoài não mang lại hiệu quả cao trên bệnh nhi.
Sau khi phát hiện ca bệnh trên, các bác sĩ đã tiến hành xét nghiệm máu để loại trừ các bệnh lý gây tăng đông máu, chụp cộng hưởng từ não (MRI), chụp mạch máu não xóa nền (DSA) và lên kế hoạch phẫu thuật với sự kết hợp đa chuyên khoa.
Quá trình phẫu thuật được thực hiện dưới kính hiển vi, các bác sĩ đã thực hiện phương pháp bắc cầu mạch máu gián tiếp, lấy mạch máu bên thái dương, mở hộp sọ và nối các động mạch não vào mạch máu thái dương để thay cho đoạn động mạch bị tắc. Sau phẫu thuật, sức khỏe bệnh nhi đã bình phục tốt, dự kiến khoảng 6 tháng tiếp theo, các bác sĩ sẽ thực hiện cuộc phẫu thuật tiếp theo để xử lý tiếp tình trạng tắc động mạch nuôi não bên phải.
Theo bác sĩ Minh Trí, trung bình mỗi năm tại Bệnh viện Nhi Đồng 1 tiếp nhận hàng chục trường hợp mắc bệnh lý Moyamoya. Gần đây, bệnh viện đã thực hiện thành công phương pháp phẫu thuật can thiệp cho bệnh lý này mở ra hy vọng trả lại cuộc sống bình thường cho bệnh nhi. Đây là một trong 3 trường hợp đầu tiên được phẫu thuật thành công tại bệnh viện, giúp các bé tránh được nguy cơ tử vong do đột quỵ.
Từ trường hợp trên, bác sĩ cảnh báo: "Lâu nay, chúng ta thường quan niệm đột quỵ hay tai biến mạch máu não là bệnh chỉ xảy ra ở người lớn, rất ít khi gặp ở trẻ con. Tuy nhiên, đây là quan niệm sai lầm và vô cùng tai hại bởi thực tế rất nhiều trường hợp trẻ được gia đình đưa vào bệnh viện trong có liên quan đến đột quỵ như tê yếu tay chân, hôn mê sâu do bất thường mạch máu não bẩm sinh, hậu quả tình trạng nhiễm trùng hoặc do tự miễn…"
Để tránh nguy hiểm có thể đe dọa tính mạng của trẻ, bác sĩ khuyến cáo phụ huynh khi thấy các bé có biểu hiện đau đầu kéo dài, tái phát nhiều lần; động kinh nhưng không liên quan đến tình trạng sốt; yếu, tê hoặc dị cảm ở mặt, tay hoặc chân; rối loạn thị giác; khó nói hoặc chậm hiểu hơn thông thường; xuất hiện những vận động không chủ ý; suy giảm nhận thức cần đưa các bé đến bệnh viện càng sớm càng tốt để chẩn đoán, can thiệp kịp thời.