Bé 3 tuổi tăng vọt lên 25kg, gia đình "cầu cứu" bác sĩ

Nam Phương

(Dân trí) - Trẻ có tiền sử đẻ non, được nuôi hoàn toàn bằng sữa ngoài, hay ốm vặt tuy nhiên 3 tuổi đã nặng đến 25kg, tương đương với trọng lượng của trẻ 7 tuổi.

Theo lời kể của gia đình, trẻ có tiền sinh non, từ nhỏ chỉ uống sữa công thức và hay bị ốm. Mỗi lần con ốm, gia đình thường tự ý mua thuốc điều trị, khỏi ốm lại dừng thuốc. Cả nhà không ai có tiền sử bị béo phì.

Thấy con nặng hơn nhiều so với những đứa trẻ cùng trang lứa, đặc biệt là xuất hiện những vệt đen ở cổ và nếp gấp nên gia đình quyết định đưa con đi khám. 

TS.BS Nguyễn Trọng Hưng, Trưởng khoa Khám, tư vấn dinh dưỡng người lớn, Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho biết bé trai ở Thanh Hóa, 35 tháng tuổi nhưng nặng 25kg. Cân nặng của trẻ tương đương với trẻ 7 tuổi. Thăm khám lâm sàng cho thấy ngoài việc bị thừa cân, trẻ còn xuất hiện gai đen ở phần cổ và các nếp gấp. 

Bé 3 tuổi tăng vọt lên 25kg, gia đình cầu cứu bác sĩ - 1

Cân nặng trung bình của bé trai 3 tuổi là khoảng 14,5kg. (Ảnh minh họa: Babycuves).

Gai đen là một trong những dấu hiệu kết hợp ở bệnh nhân béo phì rất điển hình với những vệt màu từ nâu nhạt đến đen xuất hiện ở vùng cổ, nách, háng và dưới bầu ngực, các vị trí khác ít gặp hơn.

"Chúng tôi nghi ngờ trẻ có cân nặng bất thường là do việc tự ý dùng và lạm dụng thuốc có chứa corticoid. Chúng tôi hướng dẫn gia đình đưa con sang Bệnh viện Nhi Trung ương để làm xét nghiệm xem có vấn đề gì về nội tiết, có bị đái tháo đường sớm không", bác sĩ Hưng nói. 

Theo BS Hưng, trẻ nhỏ bị tăng cân bất thường thường liên quan đến chế độ ăn uống sinh hoạt và lạm dụng thuốc. Trong đó, việc lạm dụng và tự ý sử dụng thuốc là rất đáng cảnh báo hiện nay. Đặc biệt, việc lạm dụng các loại thuốc có chứa corticoid sẽ ảnh hưởng vô cùng lớn đối với trẻ.

Trẻ tăng cân nhưng vẫn bị suy dinh dưỡng, đồng thời nội tiết cũng bị ảnh hưởng, nguy cơ suy tuyến thượng thận… Nếu không phát hiện và xử lý kịp thời sẽ ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe và sự phát triển của trẻ.

Trong 6 tháng đầu đời sữa mẹ là nguồn dinh dưỡng tốt nhất cho trẻ và nên cho trẻ bú mẹ hoàn toàn. Nếu trẻ không được bú mẹ thì có thể uống sữa công thức theo đúng hướng dẫn, khuyến cáo của nhà sản xuất hoặc chuyên gia dinh dưỡng.

Sau giai đoạn 6 tháng, trẻ bắt đầu ăn dặm, dần dần sử dụng các thực phẩm phù hợp theo từng lứa tuổi. Cha mẹ cần chú ý cho trẻ ăn đa dạng các nhóm thực phẩm như tinh bột, chất đạm, chất béo, vitamin và khoáng chất.

Khi bắt đầu nên cho bé ăn thức ăn nhuyễn hoàn toàn, khi bé đã ăn thuần thục thức ăn nhuyễn, hãy chuyển sang cho trẻ ăn thức ăn nghiền hay băm nhỏ để bé tập nhai. Nếu là bột ăn dặm đóng hộp, cần pha chế đúng theo hướng dẫn trên bao bì.

Khi bắt đầu cho bé ăn dặm, cần phải tuân theo nguyên tắc: cho bé ăn từ ít đến nhiều, từ loãng đến đặc, từ tinh đến thô, từ một loại đến nhiều loại. Chủng loại thức ăn trong một bữa ăn được tăng lên khi sức khỏe cùng với bộ máy tiêu hóa của bé bình thường. Khi mới tập ăn cần nấu bột lỏng, từ tháng thứ 9 bé có thể tập ăn cháo nghiền rồi chuyển sang cháo đặc.

Cho trẻ ăn nhiều bữa trong 1 ngày. Nghiêm chỉnh thực hiện đúng thời gian biểu cho ăn. Ban đầu cho ăn bổ sung có thể cho trẻ ăn nhiều bữa: 6 bữa, mỗi bữa cách nhau hơn 2 giờ. Trong 6 bữa này có thể 3 bữa sữa và 3 bữa bột loãng. Sau đó rút dần còn 5 bữa, có thể với 2 bữa bú, 3 bữa bột sền sệt, tiến tới chỉ ăn 2 bữa bột đặc một ngày. Ăn bột xong có thể cho trẻ bú thêm nếu trẻ vẫn thèm bú.

Bên cạnh đó, hạn chế cho trẻ ăn đồ ngọt bao gồm cả nước ngọt và bánh kẹo, hạn chế đồ ăn nhanh, cao năng lượng. Những đồ ăn này sẽ làm gia tăng nguy cơ béo phì, từ đó khiến trẻ có thể bị dậy thì sớm và ảnh hưởng đến nhiều vấn đề khác như tim mạch, đái tháo đường…