Bé 3 tuổi bị nhốt trong tủ đông vẫn sợ khi gặp người lạ, cần theo dõi sát

Minh Nhật

(Dân trí) - Bé trai 3 tuổi nhập viện cấp cứu lúc nửa đêm trong tình trạng hạ thân nhiệt và có nhiều vết thương trên cơ thể, đằng sau đó là sự tàn ác gây chấn động dư luận.

Những di chứng tinh thần có thể kéo dài sau cú sốc lớn

Qua 3 ngày điều trị sau khi được giải cứu khỏi tủ đông, bé N.Đ.H. (3 tuổi, sống tại Hà Nam) đã ổn định trở lại và được xuất viện vào chiều 15/8.

Thời điểm xuất viện, các bác sĩ Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, các tổn thương thực thể của cháu bé không nguy hiểm đến tính mạng, toàn trạng cháu ổn định, dù vẫn còn sưng nề vùng mặt.

Bé 3 tuổi bị nhốt trong tủ đông vẫn sợ khi gặp người lạ, cần theo dõi sát - 1

Qua 3 ngày điều trị sau khi được giải cứu khỏi tủ đông, bé N.Đ.H. (3 tuổi, sống tại Hà Nam) đã ổn định trở lại và được xuất viện vào chiều 15/8.

Tuy nhiên, đáng chú ý về tinh thần, trẻ vẫn còn các biểu hiện kích thích, quấy khóc, lo sợ khi có người lạ tiếp xúc và ăn uống còn kém.

Trao đổi với Dân trí, PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng - Nguyên Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai nhận định, sau khi trải qua sự cố này, cháu bé có thể bị ảnh hưởng lớn về tâm lý. Bé có thể xuất hiện các tình trạng như sợ hãi, hoảng loạn hay có những hành động bất thường.

Do đó, dù đã được xuất viện, vẫn cần có một người trợ giúp tâm lý ở bên trẻ liên tục một thời gian.

"Cũng chưa thể kết luận di chứng tâm lý đối với trẻ sẽ kéo dài bao lâu vì còn tùy thuộc vào từng cá thể bệnh. Với trẻ tâm lý tốt có thể vượt qua chỉ sau một vài tuần. Tuy nhiên, nếu trẻ có thần kinh yếu, những rối loạn về tâm lý có thể kéo dài vài ba tháng hoặc thậm chí là lâu hơn. Do đó, gia đình cần phải theo dõi trẻ lâu dài", PGS Dũng nhận định.

Theo Bác sĩ Khuất Thị Hải Oanh, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ Sáng kiến Phát triển Cộng đồng-SCDI, những trải nghiệm tiêu cực khi còn bé có thể ảnh hưởng đến suốt cuộc đời, ảnh hưởng đến sức khỏe, hành vi, tâm lý. 

Theo bà, việc bạo hành trẻ để lại rất nhiều hậu quả cả về thể chất, tinh thần và hành vi rất nặng nề và khó chữa. 

Các bác sĩ Bệnh viện Nhi Trung ương cũng lưu ý, trẻ sau khi xuất viện cần được nghỉ ngơi, hạn chế tiếp xúc người lạ. Bố mẹ nên thường xuyên ở bên cạnh trẻ động viên, tạo niềm vui và cảm giác an toàn cho trẻ để giảm tối đa các hoảng loạn, tổn thương về tinh thần. Đồng thời, tiếp tục theo dõi thêm các ảnh hưởng tâm lý của trẻ về sau.

Bé 3 tuổi bị nhốt trong tủ đông vẫn sợ khi gặp người lạ, cần theo dõi sát - 2

Bé Đ. được đưa vào Khoa Cấp cứu chống độc trong tình trạng giảm thân nhiệt, có nhiều vết thương.

Bé trai nhập viện lúc nửa đêm và sự thật chấn động

Như đã đưa tin 23h15 ngày 13/8, Khoa Cấp cứu chống độc (Bệnh viện Nhi Trung ương) tiếp nhận bé trai N.H.Đ. (3,5 tuổi, sống tại Hà Nam) được chuyển đến từ Bệnh viện Sản nhi Hà Nam với chẩn đoán: Suy Hô hấp/ Hạ thân nhiệt/ Chấn thương vùng đầu mặt cổ.

Khai thác từ gia đình, khoảng gần 18h ngày 13/8, gia đình phát hiện trẻ đang bị nhốt trong một thùng carton đặt trong tủ đông.

Lúc phát hiện trẻ đã tím tái toàn thân, không kêu khóc được, chân tay lạnh ngắt, được gia đình đưa đi cấp cứu.

"Cháu tôi tím tái, kêu một cách yếu ớt, người thì lạnh ngắt, ở cổ thì bị thắt bằng dây giày", ông Nguyễn Văn Thược (ông nội bé Đ.) tả lại tình trạng của Đ. khi được đưa ra khỏi tủ cấp đông. Ngay lập tức, bé trai được đưa đi cấp cứu tại trạm xá, sau đó chuyển tới Bệnh viện Sản Nhi Hà Nam rồi bệnh viện Nhi Trung ương.

Theo công an Hà Nam, đối tượng bạo hành cháu bé là Nguyễn Trường Giang (cạnh nhà cháu Đ., ở xã Chính Lý) đã khai nhận cho cháu bé vào thùng carton, cho vào tủ cấp đông rồi đóng cửa bỏ đi.

Trước đó, khoảng 15h20 ngày 13/8, cháu Đ. từ nhà mình đi sang quán trà sữa của Nguyễn Trường Giang để chơi. Do bực mình vì bị bé hỏi nhiều, đòi chơi cùng, Giang đã dùng chiếc chày bằng kim loại đập trúng đầu cháu Đ. Khi bị đánh, Đ. khóc to, gọi ông và mẹ, lo ngại bị phát hiện đánh bé nên đã nảy sinh ý định giết cháu Đ. để bịt miệng.