Bé 1 tuổi tổn thương não vì hóc chôm chôm

Vân Sơn

(Dân trí) - Đang ăn chôm chôm, cháu bé bất ngờ tím tái, khó thở, người cha vội đưa con đi cấp cứu. Bác sĩ đã lấy thành công dị vật trong đường thở và xác định, bệnh nhi bị tổn thương não do thiếu oxy.

Ngày 24/7, thông tin từ Bệnh viện Quận Thủ Đức, TP HCM cho biết, tại đây vừa tiếp nhận và kịp thời can thiệp cho một trường hợp bị dị vật đường thở rất nguy hiểm. Bệnh nhi là bé P.Đ.K. (12 tháng tuổi) nhập viện trong tình trạng tím tái, lơ mơ, không đáp ứng với kích thích đau, thở chậm, mạch khó bắt. Nhận định bé bị tổn thương não do thiếu oxy được gây ra do hóc nghẹn dị vật.

Bé 1 tuổi tổn thương não vì hóc chôm chôm - 1

Bệnh nhi bị tắc nghẽn đường thở do hóc dị vật gây thiếu oxy, tổn thương não

Khai thác bệnh sử của bác sĩ từ phía gia đình ghi nhận, trước đó cháu được bố cho ăn chôm chôm. Trong lúc ăn, bé bất ngờ tím tái, khó thở, người cha vội bế con tới phòng khám gần nhà cấp cứu trong tư thế dốc ngược đầu xuống đất.

Tại phòng khám, bác sĩ đã thực hiện các biện pháp sơ cứu như vỗ lưng, ấn ngực. Nhận thấy, trẻ hồng hào, cơ thể ấm hơn nhưng quả chôm chôm vẫn chưa được lấy ra, bác sĩ và người nhà nhanh chóng gọi xe cấp cứu chuyển bé đến bệnh viện.  

Tại khoa Cấp cứu, bác sĩ trực đã khẩn trương thực hiện thủ thuật Heimlich - cấp cứu đẩy dị vật ra khỏi đường thở. Bằng dụng cụ chuyên dụng, bác sĩ đã gắp quả chôm chôm với kích thước khoảng 1x2cm ra khỏi đường thở cho bệnh nhi. Ngay sau đó, bác sĩ tiến hành đặt nội khí quản và lập đường truyền tủy xương. Khoảng 2 đến 3 phút sau, da bệnh nhi bắt đầu hồng, chi ấm, mạch bắt rõ và được chuyển tới Hồi sức Tích cực Nhi để tiếp tục điều trị.

Bé 1 tuổi tổn thương não vì hóc chôm chôm - 2
Quả chôm chôm kẹt ở đường thở là nguyên nhân khiến cháu bé rơi vào nguy kịch

Bác sĩ Nguyễn Hà Phương, Đơn vị Hồi sức Tích cực Nhi cho biết: Bé được điều trị thở máy, an thần, chống phù não, làm xét nghiệm để đánh giá các tổn thương cơ quan do thiếu oxy. Sau 3 ngày tích cực điều trị, bệnh nhi đã cai máy thở, tổn thương các cơ quan ban đầu ở mức độ nhẹ đã hồi phục. Bệnh nhi tiếp tục được chuyển qua khoa Nhi điều trị tình trạng viêm phổi hít do hóc nghẹn dị vật.

Từ trường hợp trên, bác sĩ khuyến cáo, hóc sặc dị vật là tai nạn rất nguy hiểm, thường gặp ở trẻ nhỏ. Các bé dưới 5 tuổi chưa hoàn thiện được phản xạ lừa xương, lừa hạt trong lúc ăn nên nguy cơ bị hóc sặc rất cao. Để tránh tai nạn tương tự, trước khi cho trẻ ăn, cha mẹ cần loại bỏ triệt để các loại hạt trong trái cây, xương trong thịt.

Để chủ động xử lý những nguy hiểm, tận dụng được thời gian vàng trong cấp cứu hóc sặc dị vật và những tai nạn khác ở con trẻ, mỗi phụ huynh cần trang bị cho mình những kiến thức, kỹ năng cơ bản về sơ cấp cứu; từng bước hướng dẫn cho trẻ cách loại bỏ dị vật khi ăn uống và những cách đối phó với tình huống khẩn cấp.