Bé 1 tuổi cấp cứu vì uống nhầm dầu luyn đựng trong chai nước ngọt

(Dân trí) - Một trẻ 13 tháng tuổi (Tuyên Quang) đang nguy kịch vì viêm phổi nặng sau khi uống nhầm dầu luyn đựng trong chai nước ngọt. Và nhiều nữa những tai nạn thương tâm tương tự như trẻ uống nhầm dầu hỏa, axit, thuốc diệt cỏ… Tất cả đều doì sự bất cẩn của người lớn.

Bệnh nhi T.T.U (13 tháng tuổi, Tuyên Quang) hiện vẫn đang được điều trị, theo dõi tích cực tại khoa Điều trị tích cực - Bệnh viện Nhi Trung ương sau 5 ngày chuyển viện (từ bệnh viện Đa khoa Tuyên Quang xuống). 
 
Bệnh nhi vẫn phải thở máy do viêm phổi nặng vì uống nhầm dầu luyn trong chai nước ngọt.
Bệnh nhi vẫn phải thở máy do viêm phổi nặng vì uống nhầm dầu luyn trong chai nước ngọt.
 

Bệnh nhi nhập viện Nhi Trung ương trong tình trạng sốt cao liên tục, suy hô hấp, da tái, nhiễm trùng nặng… và lập tức hỗ trợ hô hấp bằng thở máy áp lực cao cho trẻ, dùng kháng sinh phổ rộng….

Ths.Bs Đào Hữu Nam, khoa Điều trị tích cực, bệnh viện Nhi Trung ương cho biết: Ngộ độc dầu luyn còn nguy hiểm hơn ngộ độc xăng, dầu hỏa rất nhiều vì chất này đặc sánh, khi vào phổi sẽ ngấm vào các nhánh phế quản và nhu mô phổi do tan trong mỡ, khiến việc điều trị càng khó khăn.
 
Theo người nhà, trước đó, trong khi chơi một mình, trẻ đã lấy chai nước ngọt trong đó có chứa dầu luyn để uống. Ngay lập tức trẻ bị sặc, ho, tím tái, khó thở… và được đưa đến bệnh viện.

Đáng nói, tại khoa Nhi BV Bạch Mai cũng từng tiếp nhận nhiều trường hợp trẻ bị ngộ độc, viêm phổi vì uống phải những hóa chất độc hại như xăng, dầu hỏa, thuốc diệt cỏ, thậm chí cả axít do người lớn chứa các dung dịch này trong các chai trà xanh, chai C2, chai nước lọc….

Theo BS Nguyễn Thành Nam, Phó trưởng khoa Nhi (BV Bạch Mai), người Việt Nam có thói quen tạn dụng chai lọ rất nguy hiểm. Bởi trẻ nhỏ vốn hiếu động, lại thấy những chai chứa loại nước vốn rất hấp dẫn với trẻ sẽ thường vội vàng uống ngay mà không ý thức được cần kiểm tra bên trong chai nước là dung dịch gì.

Không chỉ người dân mà nhiều nhà sản xuất thuốc, dược phẩm cũng “hồn nhiên” sử dụng các chai lọ giống như hình dáng chai đựng nước uống, thực phẩm thông thường để đựng hóa chất, chất sát khuẩn.

“Ví như có những công ty sản xuất chai cồn, nước xúc miệng dùng vỏ chai như một chai nước suối. Khi những chai nước này mất nhãn mác bên ngoài nhìn trong veo không khác gì là một chai nước uống thông thường. Lúc này, hiểm họa ngộ độc là rất cao. Nhiều người nghĩ là nước cầm lên tu ừng ực, khi phát hiện ra thì nhiều khi đã theo “đà” tu mất cả nửa chai”, BS Nguyễn Trung Nguyên, Trung tâm chống độc (BV Bạch Mai), nói.

Để phòng nguy cơ ngộ độc xảy ra với trẻ, cần bỏ thói quen tận dụng chai lọ đựng thực phẩm để  hóa chất, dung dịch nguy hiểm. Những dung dịch này cũng phải để xa tầm với của trẻ, cất kỹ. Các em nhỏ ở độ tuổi nhà trẻ, mẫu giáo cần có người lớn hoặc các anh chị lớn theo dõi và chăm sóc trong quá trình vui chơi. Không để trẻ tự chơi một mình, tránh những tai nạn đáng tiếc xảy ra.

 Hồng Hải

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm