Bayer đồng hành cùng hội nghị đột quỵ TPHCM
(Dân trí) - Bayer Việt Nam đồng hành cùng Hội Đột quỵ TPHCM trong hội thảo với chủ đề"Điều trị kháng đông trên bệnh nhân rung nhĩ - Từ nghiên cứu đến thực tế lâm sàng", cung cấp nhiều thông tin hỗ trợ phòng ngừa và điều trị đột quỵ.
Đột quỵ, còn gọi là tai biến mạch máu não là một bệnh lý nguy hiểm, thường xảy ra đột ngột khi nguồn máu nuôi não bị tắc nghẽn, gián đoạn hoặc suy giảm. Theo số liệu thống kê của Bộ Y tế, mỗi năm, Việt Nam có hơn 200.000 người bị đột quỵ.
Khi bị đột quỵ, nếu không được can thiệp y tế kịp thời, các tế bào não vùng bị ảnh hưởng có thể bị hoại tử, dẫn đến những di chứng khó phục hồi ở người bệnh. Bệnh nhân đột quỵ thường đối mặt với việc suy giảm khả năng vận động nghiêm trọng, tê liệt, mất khả năng nói hoặc thị lực vĩnh viễn, thậm chí tử vong.
Rung nhĩ là loại rối loạn nhịp tim nguy hiểm và rất phổ biến trên thế giới, trong đó có Việt Nam, biểu hiện bằng triệu chứng nhịp tim không đều. Rung nhĩ có thể dẫn đến việc hình thành các cục máu đông. Các cục máu đông này có khả năng di chuyển theo dòng máu đến não và gây tắc các mạch máu não tại đây, từ đó gây ra đột quỵ. Bệnh nhân mắc rung nhĩ có nguy cơ đột quỵ cao gấp 5 lần.
Nhân ngày Đột quỵ Thế giới, Bayer Việt Nam đã đồng hành cùng Hội Đột quỵ TPHCM trong chương trình hội thảo bàn tròn: "Điều trị kháng đông trên bệnh nhân rung nhĩ - Từ nghiên cứu đến thực tế lâm sàng".
Chương trình có sự tham gia của PGS.TS. Nguyễn Huy Thắng - Chủ tịch Hội Đột quỵ TPHCM, TS. Nguyễn Bá Thắng, GS. Hans-Christoph Diener (Đức) và GS. Bernard Chan (Hong Kong - Trung Quốc). Các chuyên gia đã chia sẻ nhiều thông tin quan trọng về việc sử dụng thuốc kháng đông đường uống không phải kháng vitamin K (NOAC) trong thực tế điều trị hơn 10 năm tại Việt Nam, để dự phòng đột quỵ cho bệnh nhân rung nhĩ.
Hội nghị chuyên đề khoa học về đột quỵ còn có sự tham gia của 7 chuyên gia quốc tế và hơn 500 y bác sĩ trong nước. Hội nghị đã cập nhật các phương pháp thực hành mới trong lĩnh vực điều trị đột quỵ, cũng như thảo luận về những thách thức, giải pháp và các thành tựu đạt được trong phòng chống đột quỵ ở Việt Nam cho cộng đồng y tế.
Theo PGS.TS.BS Nguyễn Huy Thắng, hiện nay, đột quỵ đang dần trở thành nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở một số nước, trong đó có Trung Quốc và Việt Nam, vượt trên nguyên nhân các bệnh lý tim mạch. Tuy nhiên, điều may mắn là đột quỵ có thể phòng ngừa hiệu quả bằng cách kiểm tra sức khỏe thường xuyên và đặt ra cho bản thân các mục tiêu kiểm soát tốt các chỉ số huyết áp, cholesterol, đường huyết; có chế độ dinh dưỡng và sinh hoạt lành mạnh.
"Khi phát hiện rung nhĩ, bệnh nhân cần thảo luận với bác sĩ về các phương pháp điều trị và thuốc phù hợp nhằm giảm thiểu nguy cơ gặp phải các biến chứng nguy hiểm. Nếu tất cả các yếu tố trên được kiểm soát tốt, đưa các chỉ số về mức mục tiêu, nguy cơ bị đột quỵ sẽ rất thấp, và ngược lại", bác sĩ Thắng cho biết thêm.
Hiện tại chưa có cách chữa khỏi hoàn toàn bệnh rung nhĩ. Tuy nhiên, một số phương pháp điều trị có thể cải thiện các triệu chứng, giúp người bệnh kiểm soát tình trạng bệnh dễ dàng hơn. Nhiều loại thuốc giúp ức chế sự hình thành cục máu đông đã được phát triển với mục tiêu làm giảm nguy cơ đột quỵ và tắc mạch ở bệnh nhân rung nhĩ.
Ingo Brandenberg, Tổng giám đốc Bayer Việt Nam chia sẻ, Bayer luôn nỗ lực khuyến khích bệnh nhân và gia đình tham gia một cách chủ động và tích cực trong công tác phòng ngừa và điều trị đột quỵ. Đây là yếu tố then chốt trong việc cải thiện kết quả điều trị và chất lượng cuộc sống cho người bệnh.
Hiểu rằng việc phòng ngừa và tiếp cận các can thiệp y tế kịp thời có thể giúp giảm nguy cơ biến chứng nguy hiểm và tăng cường khả năng phục hồi cho người bệnh, Bayer phối hợp cùng nhiều đối tác chiến lược nhằm nâng cao nhận thức và thúc đẩy hành động nhằm kiểm soát đột quỵ từ sớm trong cộng đồng.
Năm 2021, công ty đã kết hợp với Cục Quản lý Khám chữa bệnh Việt Nam để phát triển kênh thông tin điện tử "Đột quỵ" trên nhiều nền tảng bao gồm website, Facebook và kênh Youtube. Điều này giúp cung cấp cho cộng đồng những thông tin khoa học cần thiết và cập nhật về nguyên nhân, triệu chứng, cách thức điều trị đột quỵ, cũng như những khuyến cáo về phòng ngừa như thay đổi lối sống, tuân thủ phác đồ điều trị.