Bẫy “mỹ phẩm kế”!

Nhà sản xuất không nên quảng cáo “đại ngôn” những sản phẩm của mình, đồng thời cần có hướng dẫn sử dụng thật chi tiết cho người tiêu dung.

Làm đẹp là nhu cầu chính đáng của con người, nhất là phụ nữ. Đóng vai trò chủ yếu và quan trọng trong lĩnh vực này là mỹ phẩm. Thế nhưng, sử dụng mỹ phẩm như thế nào để vừa mang lại nét thanh xuân vừa có thể bảo đảm sức khỏe không phải là điều đơn giản.

 

Tốt khoe

 

Xét ở một góc độ nào đó thì mỹ phẩm cũng là dược phẩm. Mà đã là dược phẩm thì trong sản phẩm luôn chứa đựng hai thành phần hoạt chất và tá dược. Trong đó, hoạt chất là thành phần chính có tác dụng trị liệu hoặc làm đẹp.

 

Thực ra, hoạt chất chỉ là “bề nổi”. Các nhà sản xuất thường nhấn mạnh vào những đặc tính “ăn tiền” của chúng (chẳng hạn mật ong, nhân sâm... có tác dụng làm đẹp da, mượt tóc). Ít nhà sản xuất nào công bố những tá dược có trong sản phẩm của mình (trừ những loại mà Bộ Y tế bắt buộc phải công bố).

 

Tá dược là chất được đưa vào trong một sản phẩm có tác dụng bảo quản, ổn định hoặc tạo ra một dạng thể chất mong muốn.

 

Xấu thì che

 

Những loại tá dược được các nhà sản xuất lựa chọn dù đạt tiêu chuẩn dùng cho mỹ phẩm đôi khi vẫn có thể xảy ra những phản ứng có hại cho người tiêu dùng, chẳng hạn khi gội đầu thường bị da khô, tróc vảy, ngứa do dị ứng...

 

Dù được nghiên cứu thực nghiệm trên súc vật với liều lượng lớn trong khoảng thời gian dài nhưng cũng cần lưu ý khi sử dụng ở người vì các hóa chất này là những loại tá dược được dùng phổ biến ở dược phẩm và mỹ phẩm.

 

Một cửa hàng bán mỹ phẩm tại TPHCM Ảnh: Hồng Thúy

Một cửa hàng bán mỹ phẩm tại TPHCM Ảnh: Hồng Thúy

 

Nhiều loại mỹ phẩm được bày bán hiện nay có chứa những hóa chất là sản phẩm phụ của dầu hỏa vốn đã được cảnh báo ít nhiều về tác hại của nó. Trong đó, sodium lauryl sulfate (SLS) là chất được sử dụng nhiều nhất.

 

Tính chất chủ yếu của SLS là tẩy rửa và tạo bọt. Tuy chưa  chính thức bị cấm sử dụng nhưng SLS hiện được xem là nguy hiểm nhất so với các loại hóa chất hữu cơ khác sử dụng trong sản xuất mỹ phẩm. SLS có thể kết hợp với những chất khác để biến thành nitrosamines gây ung thư.

 

Các loại hóa chất thường gặp trong mỹ phẩm

 

1. Sodium lauryl sulfate (SLS): Sử dụng trong kem đánh răng, kem cạo râu, dầu gội đầu, sữa tắm, nước súc miệng. Chất SLS ảnh hưởng đến thị giác trẻ em, tác nhân gây bệnh cườm mắt, rụng tóc, da bị thô ráp và sần sùi, làm chậm lành vết thương, tác nhân gây ung thư tim, thận, não...

 

2. Polyethylene glycol (PEG): Sử dụng trong kem dưỡng da, chống khô da. PEG có ảnh hưởng bất lợi cho hệ miễn nhiễm của cơ thể.

 

3. Propylen glycol (PG): Sử dụng trong son môi, thuốc nhuộm tóc, kem cạo râu, khử mùi, kem đánh răng. PG gây ảnh hưởng lên gan, não, thận.

 

4. Isopropyl alcohol: Sử dụng trong thuốc nhuộm tóc, kem cạo râu, kem làm mềm da tay. Chất này gây nhức đầu.

 

5. Triethanolamine (TEA), Diethanolamine (DEA), Monoethanolamine (MEA): Sử dụng trong sữa tắm, dầu khử mùi cơ thể, kem chống nắng, dầu gội đầu. Các chất này dễ hấp thu qua da, tác động vào gan, thận và hệ thần kinh trung ương.

 

“Bộ ba” cần phối hợp

 

Để việc làm đẹp được hiệu quả và an toàn, phải có sự phối hợp hài hòa từ 3 phía: nhà sản xuất - cơ quan quản lý - người tiêu dùng.

 

- Nhà sản xuất cần phải công khai các thành phần có trong sản phẩm của mình. Khi sản xuất phải tuân thủ những quy định của cơ quan quản lý, chỉ sản xuất và sử dụng những hóa chất được cơ quan quản lý cho phép. Nhà sản xuất không nên quảng cáo “đại ngôn” những sản phẩm của mình, đồng thời có bảng hướng dẫn sử dụng thật chi tiết đến người tiêu dùng.

 

- Đối với cơ quan quản lý, cần kiên quyết xử lý những loại mỹ phẩm nhập lậu không rõ nguồn gốc và không có giấy phép lưu hành.

 

- Phần còn lại mang tính quyết định là nhận thức của người tiêu dùng, cần có những kiến thức cơ bản về mỹ phẩm để tránh lạm dụng chúng. Khi quyết định sử dụng mỹ phẩm thì nên chọn lựa những sản phẩm có ghi rõ  nguồn gốc, xuất xứ.

 

Không nên mua mỹ phẩm theo kiểu “rỉ tai” vì thực chất có loại chỉ thích hợp với nhóm người này nhưng sẽ gây kích ứng đối với nhóm người khác.

 

Theo DS Nguyễn Bá Huy Cường

Người lao động