“Bầu bí” bị táo bón
(Dân trí) - Tôi đang mang bầu tháng thứ 4, thường xuyên bị táo bón dù đã uống rất nhiều nước, ăn nhiều rau xanh. Xin hỏi bác sĩ tôi có thể khắc phục tình trạng này bằng cách nào mà không phải dùng thuốc nhuận tràng?
TS Nguyễn Viết Lượng trả lời:
Táo bón là một vấn đề ở đường tiêu hóa xảy ra khá phổ biến, nhất là trong thời kỳ mang thai. Đây là hiện tượng lưu cữu thức ăn, các chất cặn bã kéo dài, dẫn đến sản sinh nhiều độc tố, gốc tự do, chất béo bão hòa. Những chất này lưu cữu lâu trong đường ruột không chỉ gây táo bón, mà còn có nguy cơ bị lên men hoặc là tái hấp thu vào trong máu gây mỡ máu cao.
Nguyên nhân cơ bản là giảm nhu động ruột do những thay đổi về nội tiết trong thời kỳ mang thai. Ngoài ra, còn phải đến các nguyên nhân khác gây táo bón như chế độ ăn, hoạt động thể lực, tâm lý…
Tuy nhiên, dù nguyên nhân nào cũng có thể tự luyện tập, điều chỉnh chế độ ăn để giảm hiện tượng táo bón mà không phải dùng thuốc nhuận tràng.
Thời điểm tốt nhất để tập luyện là sau khi ngủ dậy. Mỗi sáng ngủ dậy, bạn hãy uống uống một cốc nước đầy, ngồi thở thật sâu, dùng lòng bàn tay mát - xa vùng bụng liên tục theo chiều kim đồng hồ rồi ngược lại chừng 15 phút. Làm như vậy sẽ giúp kích thích các nhu động ruột. Sau khi mát - xa bụng, hãy vào nhà vệ sinh để tạo thói quen đi ngoài đều đặn.
Mát - xa bụng sau khi ngủ dậy giúp không chỉ giúp việc tiêu hoá dễ dàng hơn, mà nó còn có thể kích thích tiêu hoá, tạo cảm giác thèm ăn bữa sáng.
Phương pháp này đặc biệt tốt với phụ nữ mang thai bị táo bón, những người bị các rối loạn về tiêu hoá, viêm đại tràng và giúp kích thích ăn uống để có một bữa sáng ngon miệng.
Ngoài phương pháp mát – xa trên, mỗi ngày cần uống ít nhất 2 lít nước, tăng cường ăn chất xơ, hoa quả và có chế độ vận động phù hợp. Kiên trì thực hiện những điều trên, hiện tượng táo bón sẽ giảm dần.
Còn với những trường hợp đã áp dụng phương pháp trên vẫn bị nặng sẽ phải dùng thuốc nhuận tràng. Tốt nhất, bạn hãy đến bác sĩ để được hướng dẫn loại thuốc phù hợp với phụ nữ mang thai.
Hồng Hải