Bất ngờ từ chiếc máy “soi người” đầu tiên của nước Việt
Năm 1990, công cụ hàng đầu trong xét nghiệm ADN là chiếc máy được GS Lê Đình Lương, người sáng lập Trung tâm phân tích ADN và công nghệ di truyền (CGAT) mang về từ Liên Xô (cũ). Rất nhiều bất ngờ với nhiều cuộc đoàn tụ đẫm tình người đã đến từ chiếc máy “soi người” đầu tiên này.
Mang thành quả của giải Nobel về Việt Nam
Nhắc tới chiếc máy nhân ADN đầu tiên ở Việt Nam, nét mặt GS Lê Đình Lương tươi hẳn lên như nhắc tới người bạn “tri kỉ”. Ông bảo, tính đến nay cũng đã tròn 25 năm, ông mang chiếc máy về Việt Nam. “Phát minh về nguyên lý nhân gene mà ngày nay các nhà chuyên môn thường gọi là PCR (Polymerase Chain Reaction) đã làm thay đổi thế giới sinh học. Phát minh về PCR mà tác giả của nó là Kary Mullis nhận giải Nobel năm 1993 đã cách mạng hóa toàn bộ lĩnh vực di truyền học phân tử. Nó đã giúp nhiều nhà khoa học và bác sĩ riêng lẻ có đủ khả năng tài chính để thực hiện các nghiên cứu ở mức phân tử cho riêng mình. Còn với các quốc gia nghèo như Việt Nam thì đây là cơ hội “ngàn năm có một” để thoát nghèo bằng nông nghiệp và tiến lên vượt bậc trong y học. Vì PCR giúp nhân đoạn ADN mong muốn chỉ trong một giờ đồng hồ.
“Năm 1988 tôi tham dự Hội nghị di truyền học quốc tế đầu tiên công bố về các công trình dùng kỹ thuật PCR tổ chức ở Canada. Cả hội nghị sôi sục vì những hiệu quả do phát minh này đưa lại. Sau đó, trong một chuyến công tác qua Moscow (Liên Xô cũ) thấy họ đã sản xuất máy nhân ADN này. Tôi đã vét toàn bộ công tác phí mua một chiếc với giá 200 USD (máy PCR bây giờ khoảng 12.000USD – PV). Tại thời điểm đó 200 USD là một gia tài lớn” – GS Lương nhớ lại.
Theo ông thì chiếc máy này thực sự là một bước ngoặt. Bởi nếu không có phát minh PCR, không có máy này thì không biết đến bao giờ Việt Nam chúng ta mới tiến được vào lĩnh vực khoa học công nghệ cao mà chỉ các cường quốc mới chịu nổi kinh phí để thực hiện và đích đến vẫn xa vời.
Đây chính là chiếc máy nhân ADN đầu tiên ở Việt Nam. Bây giờ, nó đã được GS Lương cất vào tủ để làm kỷ niệm, thay vào đó là 4 chiếc máy nhân gene khác hiện đại. Kỹ thuật nhân ADN bằng máy PCR không ngừng được cải thiện và ứng dụng rộng rãi, được coi là phương pháp xét nghiệm hiện đại và chính xác nhất, trở thành công cụ hữu hiệu phục vụ xác định huyết thống, chẩn đoán bệnh. Đặc biệt trong nghiên cứu khoa học Y - Dược nói chung và y dược học cá thể (chẩn đoán bệnh và chế tạo thuốc cho từng người riêng biệt). Ngày nay, khó tìm được phòng thí nghiệm y sinh học nào không dùng máy PCR, kể cả ở nước ta.
Ngồi bên cạnh, vợ ông – bà Nguyễn Thị Nga là Giám đốc Trung tâm Phân tích ADN & Công nghệ Di truyền, chia sẻ: “Ngày mua cái máy đó ông ấy đã tự quyết định mà không hỏi ý kiến tôi. Lúc đó tôi cũng không ngờ rằng, sau này nó lại có giá trị đến như vậy, được ứng dụng trong nhiều vấn đề xã hội đang rất cần lời giải đáp”. Giờ một người có thể tìm ra câu trả lời đích xác về huyết thống chỉ cần 4 triệu đồng. Công nghệ ADN đã mang lại nhiều ý nghĩa với mỗi cá nhân cũng như cộng đồng.
Tìm thấy nhau sau 20 năm phiêu bạt
Chiếc máy nhân ADN đầu tiên và sau này cùng nhiều thiết bị đồng bộ khác là “cầu nối” cho bao cuộc đoàn tụ đẫm tình người. Cùng với đó, vợ chồng GS Lương chứng kiến bao chuyện vui buồn quanh chuyện xét nghiệm ADN. Hơn 11 năm qua, Trung tâm Phân tích ADN và Công nghệ di truyền tiếp nhận hơn 15.000 khách hàng đến xác định huyết thống. Và đó là 15.000 câu chuyện với đầy hỉ, nộ, ái, ố đã được bà Nga tập hợp thành 4 tập truyện “Muôn vẻ chuyện đời thời ADN”.
Bên cạnh những câu chuyện tế nhị, ADN còn góp phần không nhỏ giúp những người bị thất lạc người thân tìm lại nhau. Đến bây giờ, câu chuyện về việc đoàn tụ của nhân vật “Tóc rối” vẫn khiến bà Nga nhớ mãi. Bà Nga kể: “Cuối năm 2009, Trung tâm ADN nhận được một phong thư trong đó có ba mẫu xét nghiệm từ TP HCM gửi đến xác định xem Tóc rối có phải là em ruột của hai chị em này không”.
Nhớ lại thời trẻ, chị Đỗ Thị Hải (tên thật của nhân vật “Tóc rối”, SN 1968 ở tỉnh Bình Thuận) qua Campuchia để tìm đường sang Anh với chồng. Không may, con tàu bị sóng đánh chìm giữa đại dương và chị là người duy nhất còn sống sót và phiêu bạt nơi đất khách quê người. Sau tai nạn, chị Hải bị mất trí nhớ. Hàng ngày, chị lang thang trên bến cảng Sihanouk Vilte của Campuchia xin ăn và sống vạ vật trên bờ biển. Đầu tóc không chải, tối đến chị lại chụp lên đầu những chiếc túi nilon nên tóc rối xù và không thể gỡ nổi. Cái tên “Tóc rối” bắt nguồn từ đó.
Nhưng số phận đã mỉm cười với Hải khi chị may mắn gặp được một phụ nữ tốt bụng là người Việt đang sinh sống ở Campuchia. Chị Trần Thị Tỏ đã cưu mang chị Hải và tìm cách liên lạc với chương trình “Như chưa hề có cuộc chia ly” để tìm người thân cho chị Hải.
Khi hình ảnh của “Tóc rối” lên sóng đã có đến 10 gia đình nghi ngờ đó là con em của họ, trong đó có gia đình chị Đỗ Thị Linh. Nhưng khi nhìn thấy “Tóc rối” thì không một ai trong gia đình này dám khẳng định chị chính là Đỗ Thị Hải. Điều đó cũng dễ hiểu, bởi “Tóc rối” không nhớ gì hết. Thêm nữa, thân hình và nét mặt của chị đã thay đổi quá nhiều. Lúc này, ai cũng nghĩ chỉ còn cách duy nhất là nhờ ADN giúp họ khẳng định “Tóc rối” có phải là con em của mình hay không. Kết quả phân tích ADN giữa “Tóc rối” và chị Đỗ Thị Linh, anh Đỗ Văn Đảo (anh trai chị Linh), Trung tâm ADN đã kết luận ba người là chị em ruột. Vậy là sau gần 20 năm phiêu bạt nơi đất khách khổ cực, chị Hải đã được đoàn tụ cùng người thân. Sau một thời gian về sống cùng gia đình, chị Hải đã bắt đầu hồi phục trí nhớ.
Nhận được con thật, cứu hạnh phúc gia đình sau đổ vỡ
Hay như trường hợp vợ chồng chị Cầm (TP. HCM) đã tìm được đứa con gái bị trao nhầm từ lúc mới sinh và sống hạnh phúc hơn, sau khi gia đình "suýt" tan nát vì những nghi ngờ dường như vô lý nhưng hoàn toàn có căn cứ. Sinh ra ở Hà Nội, năm 3 tuổi bé Hải Lý theo bố mẹ vào TP.HCM. Gia đình sống rất hạnh phúc. Bé Hải Lý từ nhỏ đã rất xinh xắn và đáng yêu. Nét đẹp của cô bé càng lớn càng hiện rõ và khác xa với bố mẹ mình. Bởi vợ chồng chị Hồng – mẹ của Hải Lý đều có “nhan sắc” bình thường. Từ niềm tự hào có đứa con gái xinh đẹp, bố Hải Lý bắt đầu bắt đầu tỏ ra hoài nghi vì sự khác biệt quá nhiều giữa anh và bé. Những lời khen của mọi người dành cho con gái anh đã khiến anh không vui như trước. Ngược lại, anh tỏ ra vô cùng khó chịu vì cảm thấy như người ta đang mỉa mai mình vì sự khác biệt giữa hai bố con.
Bố Hải Lý bắt đầu thay đổi, đi sớm về khuya, hay uống rượu và không thích đi cạnh con gái. Cuộc sống hạnh phúc của gia đình nhỏ trước đây giờ trở nên lục đục. Thế rồi, dường như không thể giải tỏa những khúc mắc trong lòng, bố Hải Lý lén lấy mẫu tóc của con gái mang đi xét nghiệm. Và anh đã “sốc nặng” khi kết quả phân tích ADN cho thấy bé Lý không phải con ruột của anh.
Đem tờ giấy xét nghiệm đập mạnh trước mặt vợ, anh uất hận nói: “Đồ giả dối”. Nhìn tờ kết quả xét nghiệm ADN, chị Hồng không ngờ chồng chị có thể nghi ngờ chị đến mức phải đi xét nghiệm ADN. Trước nay anh vốn luôn yêu thương và tin tưởng chị. Nhưng tại sao kết quả lại nói rằng bé Hải Lý không phải con ruột của anh, trong khi chị chưa bao giờ biết đến người đàn ông nào khác ngoài chồng? Phải chăng bây giờ anh đã có người khác và muốn bày ra trò này để rũ bỏ mẹ con chị? Uất ức, sáng hôm sau chị thu dọn đồ đạc, lo mọi thủ tục để chuyển trường cho con gái. Sau đó, hai mẹ con bay ra Hà Nội và ở lại trong căn nhà trước đây gia đình chị sống cùng nhau.
Tại ngôi trường mới, Hải Lý được xếp ngồi cạnh Ngọc – một cô bé thân thiện nên chẳng mấy chốc 2 bé trở nên thân thiết với nhau. Một hôm Ngọc mời cô bạn mới đến nhà dự sinh nhật và hết sức ngạc nhiên khi biết Lý cũng sinh cùng ngày, cùng giờ lại cùng nhà hộ sinh với mình. Các bạn trong lớp biết chuyện, bàn nhau tổ chức sinh nhật chung cho 2 cô bé ở nhà của Ngọc. Tối hôm đó, chị Cầm – mẹ của Ngọc đã vô cùng bất ngờ khi gặp Hải Lý. Chị bất ngờ vì nhận thấy bé Hải Lý rất giống chị hồi nhỏ, thậm chí chị còn mang ảnh cũ ra so sánh. Và bằng linh cảm của mình, chị Cầm nghĩ Hải Lý mới là con ruột của mình. Bởi cũng như Hải Lý, bé Ngọc chẳng giống bố chút nào.
Sau nhiều ngày suy nghĩ, chị bàn với chồng đi xét nghiệm ADN xem Ngọc có phải là con ruột của họ không. Chồng chị đã đồng ý. Họ đã rất bất ngờ khi kết quả cho thấy Ngọc không phải con ruột của mình. Sau đó, vợ chồng chị sang nhà chị Hồng nói lại câu chuyện và xin phép được lấy mẫu tóc của Hải Lý đi xét nghiệm. Ban đầu chị Hồng cho rằng là chuyện “vớ vẩn”, song cũng vì muốn biết kết quả xét nghiệm của chồng mình có đúng hay không, chị đồng ý. Và kết quả là bé Ngọc mới chính là con ruột của chị Hồng, còn bé Hải Lý lại là con ruột của vợ chồng chị Cầm. Cuối cùng thì gia đình chị Hồng đã đoàn tụ sau nhiều nghi ngờ được xóa bỏ. Cả hai bé đều có thêm một gia đình mới. Câu chuyện rắc rối cuối cùng đã có một cái kết tốt đẹp không ngờ.
Và còn rất nhiều câu chuyện đặc biệt khác. Có trường hợp một người tìm người thân có đến hàng chục người cùng nhận nhưng qua giám định đều không phải ruột thịt của nhau.
Vợ chồng chung niềm đam mê “ADN”
Hiếm có cặp vợ chồng nào cùng chung niềm đam mê “ngành ADN” như vợ chồng GS Lương. Từ những ngày đầu trở về nước, ông đã bắt tay biên soạn cuốn sách về chuyên ngành di truyền học khi chưa đầy 30 tuổi. Từ đó đến nay ông đã có trong tay hơn 30 đầu sách, từ sách biên soạn cho đến sách dịch. Ông còn là tác giả của nhiều cuốn từ điển Nga – Việt, Anh – Việt, từ điển giải thích và hàng trăm bài báo khoa học về chuyên ngành di truyền học.
Bà Nguyễn Thị Nga là thạc sĩ chuyên ngành tự động hóa. Những năm tháng đồng hành cùng chồng viết sách, bà Nga đã trở thành “cô thư ký”. Thời đó, cứ khi nào GS Lương viết hoặc dịch, bà Nga lại ngồi đánh máy chữ, rồi lại sắp xếp thứ tự bảng chữ cái trong cuốn từ điển dày cộp. Ngoài ra, bà là người đã thực hiện các bảng biểu, các sơ đồ trình bày trong những tiết dạy của chồng bà về di truyền học trên các giảng đường, Cứ thế, di truyền học “bén duyên” với bà lúc nào không hay.
Kể từ đó, hai vợ chồng cùng chung niềm đam mê với ADN. Khi thành lập Trung tâm CGAT, ông vẫn là công chức nhà nước, bà thì mới về hưu nên đứng tên giám đốc, quản lý trung tâm, Còn ông thì phụ trách phần khoa học của phòng thí nghiệm.
Cuộc sống trước đây của hai vợ chồng giảng viên đại học chẳng khấm khá gì, đã có lúc đến bát phở cũng chỉ là mơ ước. Thời kỳ đầu thành lập Trung tâm hai ông bà đã dốc hết vốn liếng và quyết tâm đi vay mượn thêm để mua máy móc trang thiết bị tối thiểu phục vụ cho công việc.
GS.TS. Lê Đình Lương cười khi nói về điều này: “Làm nghề khi còn nghèo khổ, các con chẳng đứa nào muốn theo. Sự nghiệp, thành công của cuộc đời tôi đến giờ đều có sự góp sức của vợ. Bà ấy không chỉ là tri kỉ mà còn là cộng sự đem may mắn cho tôi”.
“Chúng tôi luôn tâm niệm, giúp những người ruột thịt bị thất lạc tìm được nhau là việc nên làm và phải làm thật chính xác bởi họ đang đặt niềm tin vào mình. Mỗi lần, khi giúp những người thất lạc nhau tìm được gia đình khiến chúng tôi thấy công việc của mình có ý nghĩa hơn. Chắc chắn, Tết đến, những gia đình này sẽ có một cái Tết tuyệt vời, khác hẳn những Tết đã qua”, Bà Nga chia sẻ.
Giáo sư Lê Đình Lương, Chủ tịch Hội di truyền học Việt Nam sinh ra và lớn lên ở Hà Nội. Tốt nghiệp bằng đỏ đại học, sau khi bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ di truyền học ở Liên Xô, ông trở về nước cống hiến tài năng và nhiệt huyết của mình cho sự phát triển của nền khoa học nước nhà. Ông từng là chủ nhiệm bộ môn Di truyền học, Trường đại học Tổng hợp Hà Nội và sau đó là người đồng sáng lập Trung tâm công nghệ sinh học, Đại học Quốc gia Hà Nội.
“Trước thời PCR, muốn nhân một đoạn ADN phải sử dụng các hệ thống thiết bị khổng lồ chứa trong cả một tòa nhà lớn nhiều tầng. Hàng chục, thậm chí hàng trăm nhà khoa học thuộc nhiều chuyên môn khác nhau cùng phối hợp nghiên cứu hàng năm trời mà chưa chắc đã tách được đoạn ADN mong muốn. Trong khi, ngày nay với chiếc máy PCR nhỏ gọn, một người trong khoảng một giờ đồng hồ là có thể lọc được đoạn gene cần chọn. J.D. Watson, người cùng Francis Crick phát minh ra cấu trúc không gian của ADN, cho rằng PCR đã cách mạng hóa toàn bộ ngành sinh học phân tử” - GS.TS Lê Đình Lương hào hứng.
Theo Phương Thuận
Báo Gia đình & Xã hội