Bắt đầu tiêm virus diệt ung thư trên người: Hy vọng mới hay "hão huyền"?

Hoàng Lê

(Dân trí) - Các chuyên gia nghiên cứu y tế, bác sĩ cho rằng phương pháp tiêm virus diệt ung thư có thể là hy vọng điều trị mới nhưng vẫn cần kiểm chứng trong thời gian dài.

Mới đây, tạp chí khoa học News Medical (Anh) đăng tải thông tin đã có những tình nguyện viên đầu tiên tại Mỹ được tiêm virus CF33-hNIS (hay Vaxina) để tiêu diệt ung thư. Phía thực hiện nghiên cứu cho biết, trong giai đoạn 1 (từ tháng 4/2022), tổng cộng 100 người sẽ được tiêm virus trên vào ngày đầu tiên và ngày thứ 8, với 2 cách là tiêm thuốc qua tĩnh mạch và tiêm trực tiếp vào khối u.

Virus CF33 được tạo ra như thế nào?

Trao đổi với PV Dân trí, TS Nguyễn Hồng Vũ, Viện Nghiên cứu ung thư, City of Hope, California (Mỹ), cố vấn khoa học của Ruy Băng Tím (tổ chức phi lợi nhuận về phòng chống ung thư ở Việt Nam) cho biết, CF33 là một trong những sản phẩm thuộc phòng thí nghiệm của Giáo Sư Yuman Fong, thuộc Viện nghiên cứu City of Hope.

Để tạo ra CF33, nhóm các nhà khoa học đã cho nhiễm nhiều chủng virus được biết trước đó thuộc nhóm orthopoxvirus vào tế bào CV-1 (tế bào thận của khỉ) để các chủng virus này tự tái tổ hợp với nhau. Sau đó từ tế bào nhiễm, họ chọn lọc và tinh sạch 100 chủng virus khác nhau.

Các chủng virus tiếp tục được sàng lọc trên một nhóm gồm 60 dòng tế bào ung thư ở người, để chọn ra dòng virus có tác dụng tiêu diệt tế bào ung thư mạnh. Qua quá trình này, họ đã chọn được dòng virus có tên CF33. 

Bắt đầu tiêm virus diệt ung thư trên người: Hy vọng mới hay hão huyền? - 1

Cơ chế tiêu diệt tế bào ung thư của phương pháp tiêm virus (Ảnh: Ruy Băng Tím).

Từ virus CF33 cơ bản, nhóm nghiên cứu cũng thay đổi một số điểm để tạo ra các "dị bản" của CF33 như CF33-Fluc, CF33-GFP, CF33-hNIS.

Năm 2018, công trình nghiên cứu về việc tiêm virus diệt ung thư đã được đăng tải trên tạp chí chuyên ngành Journal of Translational Medicine. Trong đó, nhóm nghiên cứu đã sử dụng virus CF33 để điều trị ung thư tụy ở chuột. Cụ thể, tế bào ung thư tụy của người được chích dưới da chuột để tạo khối u và sau đó virus được chích trực tiếp vào khối u để quan sát hiệu quả điều trị. Kết quả cho thấy, chúng có khả năng làm chậm sự phát triển của khối u, thậm chí làm khối u nhỏ lại so với nhóm đối chứng. 

Đến năm 2019, các nhà khoa học tiếp tục công bố công trình nghiên cứu về việc ứng dụng virus CF33 có biến đổi để điều trị ung thư phổi (virus CF33-GFP) và ung thư đại tràng (virus CF33-hNIS) tạo trên da chuột. Kết quả cho thấy khối u của virus được kìm hãm khá mạnh, cũng như việc kết hợp đồng vị phóng xạ với virus đã tăng hiệu quả điều trị ung thư lên rất nhiều.

Bắt đầu tiêm virus diệt ung thư trên người: Hy vọng mới hay hão huyền? - 2

Hiệu quả điều trị của virus CF33-hNIS trên mô hình ung đại tràng (Ảnh: Ruy Băng Tím).

Hy vọng điều trị ung thư mới, nhưng không nên vội vã 

Theo TS Nguyễn Hồng Vũ, hiện nay công ty công nghệ sinh học Imugene (Úc) đang phối hợp với nhóm nghiên cứu trên để chuẩn bị cho giai đoạn thử nghiệm lâm sàng của CF33 trên người.

Dù chưa rõ nội dung thử nghiệm cụ thể, TS Vũ cho rằng nhiều khả năng CF33 sẽ được tiêm trên các bệnh nhân có các loại ung thư mà họ đã có những thử nghiệm thành công trên chuột trong giai đoạn tiền lâm sàng như ung thư tụy, ung thư phổi, ung thư đại tràng và ung thư vú (thành công trên chủng virus CF189).

Theo tài liệu của công ty Imugene, việc thử nghiệm lâm sàng sẽ nhằm mục đích xác định liều tối ưu và an toàn miễn dịch. Tùy vào tình trạng cụ thể, một số bệnh nhân ngoài tiêm virus CF33 còn phải dùng thêm chất ức chế điểm kiểm soát miễn dịch (ICI).

TS Vũ nhận định, một số kênh truyền thông có phần hơi "thổi phồng", cho rằng  CF33 có thể "tiêu diệt mọi loại ung thư", khi các thành công ban đầu chỉ mới trên vài loại ung thư với mô hình khối u trên da ở chuột.

Tuy nhiên, các kết quả thử nghiệm khả quan ở giai đoạn tiền lâm sàng của CF33 cũng mở ra hy vọng về con đường phát triển thuốc đến lúc sử dụng rộng rãi trên người bệnh ung thư, dù còn dài và nhiều chông gai phía trước.

Bắt đầu tiêm virus diệt ung thư trên người: Hy vọng mới hay hão huyền? - 3

Phương pháp tiêm virus có thể là hi vọng điều trị ung thư mới, nhưng cần đánh giá lâu dài (Ảnh: Hoàng Lê).

ThS.BS Nguyễn Triệu Vũ, Trưởng khoa Ung bướu, Bệnh viện TP Thủ Đức (TPHCM) chia sẻ, phương pháp tiêm virus diệt ung thư vừa bắt đầu thử nghiệm lâm sàng trên người là pha 1 của nghiên cứu, sau khi đã vượt qua giai đoạn trong phòng thí nghiệm.

Về cơ chế điều trị, bác sĩ Vũ cho rằng khi virus được đưa vào người đã được xử lý thay đổi trên bề mặt, biến đổi gen để tấn công những tế bào lạ, tế bào ung thư nhưng không gây tổn hại đến tế bào lành. Tuy nhiên đó chỉ là lý thuyết, nếu muốn đánh giá tính hiệu quả, có tác dụng phụ nghiêm trọng hay không cần phải trải qua nhiều pha nghiên cứu, trên nhiều bệnh nhân nữa.

"Đây là hướng mới, có triển vọng nhưng cần theo dõi lâu dài và không nên tung hô vội" - bác sĩ Vũ nhận định.