Báo động tình trạng “em chã”!

Báo cáo về tình hình dinh dưỡng trẻ em đô thị Việt Nam cho thấy, tỷ lệ thừa cân, béo phì ở trẻ em là 4% (khoảng 300 nghìn trẻ). Báo cáo cũng cho thấy, trong 10 năm, tỷ lệ trẻ béo phì tăng lên gấp 9 lần. Đặc biệt, tại các khu vực trung tâm thành phố, tỷ lệ này đã vượt ngưỡng 12%, đây là một thực trạng đáng báo động.

Phóng viên Báo Năng lượng Mới đã trao đổi với TS - Bác sĩ Nguyễn Trọng Hưng, Trung tâm tư vấn phục hồi dinh dưỡng và kiểm soát béo phì, Viện Dinh dưỡng (Bộ Y tế) về tình trạng này.

 

Xin bác sĩ đánh giá về thực trạng thừa cân, béo phì ở trẻ em tại nước ta hiện nay?

 

Xin đính chính lại về tỷ lệ thừa cân - béo phì của trẻ em Việt Nam. Theo số liệu của Viện Dinh dưỡng năm 2010: Tỷ lệ thừa cân và béo phì ở trẻ em dưới 5 tuổi 5,6% (ở thành phố 6,5% và ở nông thôn 4,2%). Tỷ lệ này đang có xu hướng gia tăng. So với năm 2000, tỷ lệ thừa cân - béo phì ở trẻ dưới 5 tuổi hiện cao hơn 6 lần. Đây là thực trạng đáng báo động về vấn đề sức khỏe của xã hội, cần được quan tâm ngay, đặc biệt là các thành phố lớn như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh.

 

BS Nguyễn Trọng Hưng

BS Nguyễn Trọng Hưng

 

Những dấu hiệu nhận biết khi trẻ thừa cân như thế nào, thưa bác sĩ?

 

Thừa cân - béo phì có thể gặp ở mọi lứa tuổi. Một trẻ được xem là béo phì hay nặng cân quá khi nó nặng hơn mức trung bình so với chiều cao và độ tuổi từ 20% trở lên. Hoặc có một vài dấu hiệu gợi ý như sau: Tăng cân nhiều mỗi tháng và liên tục; Luôn ăn nhiều hơn khẩu phần quy định; Thích ăn đồ xào rán và đồ ngọt; Ít ăn rau; Ăn tối muộn; Lười vận động…

 

Theo bác sĩ, đâu là nguyên nhân, những tác hại và hệ lụy của nó đối với xã hội? Viện Dinh dưỡng đã tiếp nhận, chữa trị cho trẻ béo phì như thế nào?

 

Có rất nhiều nguyên nhân gây Béo phì như:

 

Di truyền: các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, nếu bố mẹ mắc bệnh béo phì thì con cái họ sẽ có khả năng mắc bệnh gấp 4-8 lần so với người bình thường.

 

Trẻ lười vận động, ham thích trò chơi điện tử, xem tivi.

 

Do ảnh hưởng của tâm lý: những trẻ bị trầm cảm, stress, có nguy cơ mắc bệnh béo phì cao hơn các trẻ bình thường.

 

Ngoài ra, nguyên nhân thường gặp là sai lầm trong cách chăm sóc chế độ dinh dưỡng của trẻ, Ví dụ như: Cho trẻ ăn quá nhiều chất béo, đồ ăn nhanh, nước soda, ăn quá nhiều thức ăn trong ngày khiến dư thừa calo.

 

Thừa cân - béo phì cũng là nguyên nhân gây ra một số bệnh tim mạch, tiểu đường... ảnh hưởng không nhỏ đến tâm lý, chất lượng cuộc sống của trẻ hiện tại và sau này. Hiện tại, chưa có số liệu chính xác về thừa cân - béo phì đến khám và điều trị tại Viện Dinh dưỡng, nhưng qua theo dõi và trực tiếp khám tư vấn dinh dưỡng, chúng tôi nhận thấy số trẻ bị thừa cân - béo phì đến khám ngày càng gia tăng, khoảng 9-10% số trẻ tại Hà Nội đến khám tại Viện Dinh dưỡng.

 

Có ý kiến cho rằng, nguyên nhân béo phì có thể xuất phát từ thời kỳ người mẹ mang thai do ăn uống quá nhiều dẫn đến trẻ mới sinh ra đã thừa cân. Bác sĩ đánh giá như thế nào về ý kiến này?

 

Đúng là dinh dưỡng không hợp lý vừa là nguyên nhân, cũng là yếu tố thuận lợi để gây thừa cân - béo phì sau này, mặc dù gần đây điều kiện kinh tế xã hội, trình độ của các bà mẹ đã giúp các bà mẹ có điều kiện chăm sóc dinh dưỡng ngay từ khi mang thai, nhưng không thể nói do bà mẹ ăn uống quá nhiều chất trong thời gian mang thai dẫn đến trẻ bị thừa cân. Nhưng cũng cần cung cấp nhiều thông tin hơn nữa, trong đó có chế độ ăn hợp lý cho cả bà mẹ trước, trong, sau khi mang thai cũng như chế độ ăn uống cho trẻ sau này để bé được phát triển toàn diện, hạn chế suy dinh dưỡng cũng như thừa cân - béo phì có thể xảy ra sau này.

 

Trẻ điều trị béo phì tại Bệnh viện Nhi Đồng 1, TP HCM
Trẻ điều trị béo phì tại Bệnh viện Nhi Đồng 1, TP HCM

 

Có câu “phòng bệnh hơn chữa bệnh”, theo bác sĩ các biện pháp phòng chống bệnh thừa cân - béo phì ở trẻ thực hiện như thế nào?

 

Đúng vậy, chúng ta cần phải có các biện pháp để thay đổi, cải thiện những thói quen chưa hợp lý để hạn chế trẻ bị thừa cân - béo phì. Đó là: Nên phối hợp nhiều loại thực phẩm phù hợp với lứa tuổi. Hạn chế trẻ ăn vặt và các đồ ăn nhanh, đồ ăn chứa nhiều dầu mỡ… hãy cho trẻ ăn nhiều rau xanh và hoa quả tươi, cho trẻ uống nước hoa quả hoặc ăn hoa quả tươi thay cho việc trẻ uống các loại nước ngọt có gas.

 

Nên chia nhỏ bữa ăn: Không để trẻ quá đói khiến trẻ ăn nhiều hơn vào bữa ăn sau, có thể cho trẻ ăn làm nhiều bữa mỗi bữa ăn một lượng vừa phải. Tránh việc khuyến khích, khen thưởng trẻ bằng các đồ ăn vì làm thế dễ khiến trẻ cảm thấy đó là điều thú vị và luôn cố gắng để được khen thưởng “đồ ăn”, càng dễ gây béo phì. Cho trẻ ăn đúng giờ, theo bữa. Không cho trẻ ăn nhiều trước khi đi ngủ tối. Không cất giữ các thực phẩm nhiều năng lượng ở nhà như: pho mát, bơ, bánh kẹo, kem, nước ngọt, bim bim…

 

Hãy khuyến khích và cùng trẻ tập thể dục thể thao, rủ trẻ cùng giúp bạn làm việc nhà, chơi với trẻ thay cho việc để trẻ chỉ ngồi một chỗ chơi điện tử hay xem tivi, điều này giúp trẻ vui vẻ khỏe mạnh hơn, giảm các chứng bệnh trầm cảm, stress, lười vận động…

 

Thưa bác sĩ, cách hạn chế, điều trị căn bệnh này có gặp khó khăn không, cụ thể như về mặt thời gian, vật chất?

 

Đúng là khi có trẻ bị thừa cân - béo phì thì gặp rất nhiều khó khăn để cải thiện tình trạng này, như chúng ta đã đề cập phía trên thì bố mẹ tốn nhiều thời gian để chuẩn bị, thay đổi thức ăn cho trẻ trở nên lành mạnh hơn, cùng tham gia, khuyến khích trẻ ăn các thức ăn mới cũng như tập luyện cùng trẻ… Ngoài ra, chúng ta cũng gặp khó khăn với trẻ không chịu áp dụng theo những hướng dẫn, hoặc trong gia đình không nhất quán trong việc điều chỉnh hành vi của trẻ.

 

Trong khi tình trạng trẻ thừa cân béo phì tiếp tục tăng nhanh, đặc biệt trong 10 năm (2000-2010) tỷ lệ trẻ béo phì tăng 9 lần. Thì chiều cao người Việt lại chậm cải thiện, trung bình 10 năm mới tăng thêm được 1cm. Hiện nay, chiều cao trung bình người Việt trưởng thành (20-24 tuổi) là 164,4cm với nam, 153cm với nữ. Như vậy, đây có phải là sự mất cân đối do chế độ dinh dưỡng chưa tốt của người Việt?

 

Đúng là nước ta đang chịu gánh nặng kép về dinh dưỡng, đó là trong khi suy dinh dưỡng còn ở mức cao, lại xuất hiện thừa cân - béo phì. Mặc dù như bạn đề cập, chiều cao trung bình sau 10 năm tăng thêm được 1cm ở người Việt trưởng thành, đó là nỗ lực của rất nhiều chính sách của Đảng và Nhà nước cũng như các cơ quan liên quan thực hiện về dinh dưỡng đáng ghi nhận và cần được duy trì lâu hơn nữa để hy vọng chiều cao cải thiện nhiều hơn nữa trong thời gian tới. Nhưng theo tôi, nên mọi người nên để ý hơn nữa trong chế độ ăn để lựa chọn những thực phẩm có nhiều can xi như tôm, cua, cá, đặc biệt sữa và các sản phẩm từ sữa (sữa chua, pho mát…), tăng cường hoạt động thể lực và ngủ đủ giấc, có như vậy chiều cao mới có thể phát triển được tối đa và nhiều hơn nữa so với mong muốn của xã hội.

 

Xin cảm ơn bác sĩ!

 

Theo Mạnh Kiên

Petrotimes