1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

TPHCM:

Báo động dịch bệnh đang trong thời điểm nguy hiểm

(Dân trí) - Những bệnh dịch “trầm kha” như tay chân miệng, sốt xuất huyết, hô hấp… tại các tỉnh phía Nam đang tăng với tốc độ nhanh. Theo nhận định của ngành y tế, mưa lớn kéo dài trong những ngày qua tạo điều kiện thuận lợi cho nhiều dịch bệnh nguy hiểm bùng phát.

Cảnh phụ huynh ôm con chờ đợi đến lượt khám tại Nhi Đồng 1
Cảnh phụ huynh ôm con chờ đợi đến lượt khám tại Nhi Đồng 1

Ôm đứa con mặt đỏ gay ngủ li bì trên tay, chị H.T.M. (ngụ tại quận 8) nghẹn ngào: “Thằng bé đổ bệnh đã nhiều ngày nay chẳng ăn uống được gì cả, mệt thì ngủ tỉnh dậy lại khóc ngằn ngặt”. Hỏi ra mới biết đứa con trai 4 tuổi của chị cuối tuần qua bắt đầu lên cơn sốt dù đã cho uống thuốc nhưng tình trạng bệnh chẳng những không thuyên giảm mà còn có biểu hiện nặng thêm. Chị đưa con đến bệnh viện Nhi Đồng 2 khám, qua xét nghiệm, bác sĩ kết luận bé bị sốt xuất huyết (SXH).

Theo thống kê của phòng kế hoạch tổng hợp bệnh viện Nhi Đồng 2, từ cuối tháng 9 đến đầu tháng 10 số trẻ đến khám bệnh bất ngờ tăng nhanh. Tổng số giường bệnh của bệnh viện chỉ đủ chỗ cho 1.400 trẻ nhưng hiện tại mỗi ngày bệnh viện đang phải điều trị cho gần 2.000 trẻ. Tình trạng trên khiến bệnh viện rơi vào quá tải nghiêm trọng, tại một số khoa như khoa Nhiễm (bệnh SXH, tay chân miệng, viêm màng não…); khoa Hô hấp (viêm phổi, viêm phế quản, hen suyễn…) bệnh nhi phải nằm ghép từ 2 đến 3 bé mỗi giường, nhiều trẻ phải nằm hành lang.

Bệnh hô hấp ở trẻ tại nhi đồng 2 đang chiếm gần 1/4 số ca nội trú
Bệnh hô hấp ở trẻ tại nhi đồng 2 đang chiếm gần 1/4 số ca nội trú

Tình trạng quá tải còn căng thẳng hơn tại bệnh viện Nhi Đồng 1. Nhiều tuần qua trung bình mỗi ngày có khoảng 6.000 đến 7.000 trẻ đến khám, ban giám đốc bệnh viện cũng phải xắn tay làm việc tại các phòng khám và tăng giờ khám bệnh nhưng vẫn không giải quyết được tình trạng ùn ứ bệnh nhân. Nhiều phụ huynh đưa con đến khám bệnh nhưng đành phải đưa trẻ về nhà tự chăm sóc chờ hôm sau quay lại.

Căng thẳng nhất ở thời điểm hiện tại phải kể đến các bệnh hô hấp. BS Trần Thị Thu Loan, Trưởng khoa Hô hấp bệnh viện Nhi Đồng 2 nhận định: Thời điểm từ tháng 8 đến tháng 10 là mùa của bệnh hô hấp. Hiện mỗi ngày khoa Hô hấp của bệnh viện đang phải điều trị cho khoảng hơn 400 bệnh nhi, số bệnh này chiếm gần 1/4 trong tổng số bệnh nhi nằm viện điều trị nội trú. Tại bệnh viện Nhi Đồng 1, khoa hô hấp chỉ có 100 giường bệnh nhưng cũng đang phải gồng gánh điều trị cho gần 300 bệnh nhi.

Nhiều bệnh nhi phải nằm hành lang
Nhiều bệnh nhi phải nằm hành lang

Cùng với bệnh tay chân miệng diễn biến phức tạp trên địa bàn thành phố khiến nhiều trường mầm non “lo ngay ngáy” bệnh SXH đang hoành hành dữ dội. Tại hai bệnh viện Nhi mỗi ngày đang phải tiếp nhận và điều trị cho khoảng 250 trẻ mắc SXH. Bệnh không chỉ gây nguy hiểm cho trẻ mà còn tấn công cả người lớn bởi bệnh viện Bệnh nhiệt đới thời gian gần đây cũng đã phải tiếp nhận nhiều trường hợp SXH ở người lớn phải nhập viện điều trị trong tình trạng nặng.

BS Nguyễn Đắc Thọ, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng cho biết, mưa liên tục khiến công tác phòng chống SXH gặp rất nhiều khó khăn bởi các biện pháp như phun xịt hóa chất, khơi thông nước đọng, ao tù… không phát huy được hiệu quả bệnh. SXH đang vào giai đoạn đạt đỉnh và có nguy cơ lây lan rộng, người dân cần chủ động diệt muỗi, diệt lăng quăng, vệ sinh nhà cửa thông thoáng sạch sẽ, thường xuyên ngủ mùng để muỗi gây bệnh SXH không còn chỗ sinh sôi và tấn công con người.

Khuôn viên bệnh viện cũng trở thành nơi giảm tải
Khuôn viên bệnh viện cũng trở thành nơi "giảm tải"

Ngoài những loại bệnh trên, một số loại bệnh khác như cảm cúm, thủy đậu, sởi… cũng đang diễn biến rất phức tạp khiến người dân hoang mang. Tại viện Pastuer TPHCM số người đến làm các xét nghiệm và chích ngừa thời gian gần đây tăng nhanh. Sáng ngày 9/10 mới hơn 10 giờ nhưng khu chích ngừa của Viện đã phải ngưng nhân bệnh vì quá tải.

ThS/BS Nguyễn Ngọc Anh Tuấn, phó khoa Xét nghiệm Sinh học lâm sàng kiêm Trưởng phòng khám, phân tích: “Từ tháng 9 đến tháng 10, một số loại bệnh sẽ tăng mạnh đặc biệt là các bệnh ở trẻ em. Đây là thời điểm trẻ nhập trường, sẽ không thể tránh khỏi việc một số bé nhiễm bệnh trở thành nguồn lây cho các bé khác và phát tán ra cộng đồng. Để tránh cho cả trẻ và người lớn khỏi bị nhiễm bệnh thì biện pháp tốt nhất là chích ngừa.”

Vân Sơn