1. Dòng sự kiện:
  2. Công nhân Vĩnh Phúc ngộ độc tập thể

Bánh mỳ "kinh dị"

Bánh mỳ, một trong những thức ăn sáng quen thuộc của không ít cư dân thành phố, có vẻ như chẳng hề được kiểm soát về VSATTP.

Cảnh một lò bánh mỳ không số

 

Một ngày đầu tháng 7, chúng tôi tìm đến lò bánh mỳ ở đường Nguyễn Cửu Vân (P.17, Q.Bình Thạnh, TPHCM), một lò bánh tồi tàn không bảng hiệu, trông như một nhà kho bỏ hoang, diện tích khoảng 15m2.

 

Trong lò, các giỏ đựng bánh mỳ thành phẩm và củi để ngổn ngang, sàn nhà đầy đất cát, những bao bì xếp vô trật tự, vài bao mới dùng một phần không được buộc miệng lại, mặc cho bụi đất bám vào, vài con chuột leo qua leo lại. Những giá để bánh bám đầy bụi than đen bẩn, bánh chờ nướng được gác trên giá mà không hề được che chắn.

 

Nằm sâu trong một con hẻm lầy lội (tổ dân số 113) trên đường D1 Q. Bình Thạnh là một lò bánh mỳ không tên, không số nhà. Mái nhà là những miếng tôn hoen rỉ chắp vá. Lò bánh mỳ này có diện tích khoảng 35m2 nhưng vừa là nơi chứa nguyên liệu, đặt lò nướng bánh, để bánh trước khi nướng và thành phẩm, đồng thời là nơi ở.

 

Thợ vừa nhào bột, bắt bánh xong, khiêng luôn khuôn nướng bánh (lem luốc, cáu bẩn). Sau đó, vẫn bàn tay đó, sắp xếp bánh vào, rồi tiếp tục nhồi bột bắt bánh. Vì nằm đối diện với một khu đất hoang, đầy ruồi bọ và rác nên ruồi cũng bu quanh các khuôn nướng bánh. Các tấm khuôn này, sau một lần nướng lại bị vứt chỏng chơ dưới nền nhà đầy bụi đất, hôm sau dùng tiếp mà không hề được vệ sinh lại.

 

Sử dụng lò nướng bánh bằng điện thì các lò bánh mỳ trông có vẻ vệ sinh hơn, nhưng "cận cảnh" cũng hãi hùng không kém. Lò bánh mỳ Út (Quốc lộ) 13, P.26, Q.Bình Thạnh) thoạt nhìn thì sạch, nhưng để ý thấy chỉ nửa nền nhà ngoài được lát gạch bông, phần để lò nướng là nền xi măng lem nhem đất và rác rất mất vệ sinh.

 

Bánh mỳ bắt xong chờ bột nở để nướng được để sát dưới nền nhà ngay lối đi không hề che đậy. Tương tự, lò bánh mỳ Ba (Quốc lộ 13, P.26, Q.Bình Thạnh) các khuông bánh sau khi sử dụng cũng bị xếp trên nền nhà đầy bụi, khi dùng lại không tẩy rửa.

 

Hầu như ở tất cả các lò bánh mỳ trên vệ sinh cá nhân của thợ làm bánh đều không được đảm bảo, áo quần bảo hộ, găng tay, khẩu trang hoàn toàn không có.

 

Kinh hoàng xe bán bánh mỳ!

 

Cô bán bánh mỳ dùng tay không bốc chả, thịt, hành ngò nhét vào ổ bánh, sau đó lấy miếng báo hoặc giấy tập lem nhem mực bọc lại... là cảnh tượng thường thấy ở các bánh mỳ gần các ngã tư, nhất là gần các trường học. Cũng do nằm gần trường học nên buổi sáng lượng khách mua bánh mỳ rất đông - chủ yếu là các em học sinh.

 

Tất cả thành phần như chả, thịt nguội, thịt quay, rau dưa... được xắt sẵn bày trên một chiếc bàn nhỏ kê lấn ra lòng đường, không che đậy gì, mặc cho xe cộ qua lại khói bụi mịt mù.

 

Giúi vào tay một chị bán bánh mỳ trên đường Lê Đức Thọ (Q.Gò Vấp) 50 nghìn, tôi được chị đưa ra chợ mua nguyên liệu. Tạt vào mấy hàng thịt ế, chị lựa vài miếng gan bèo nhèo mà mấy miếng thịt với giá rẻ bèo rồi giải thích: "Bánh mỳ thì lấy ở lò nên giá "xêm xêm" nhau, muốn lời phải mua nhân rẻ. Mấy miếng thịt này thấy vậy chứ về quay lên cũng nhìn ngon lành lắm (?!).

 

Bánh mỳ là một mặt hàng có hạn sử dụng chỉ 24 giờ, không bao bì nên các cơ sở sản xuất bánh mỳ không phải đăng ký chất lượng mà tự quản lý. Các đợt hậu kiểm hàng năm lại chưa đủ để có thể đảm bảo việc thực hiện an toàn vệ sinh thực phẩm. Đối với những xe bánh mỳ vỉa hè thì vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm lại càng khó hơn.

 

Theo Thùy Dung

Phụ nữ