Bẩn như đồ nhựa tái chế

Túi nilon đựng thức ăn thừa, rác rưởi, chai lọ đựng dầu nhờn, hóa chất... tất tật đều trở thành nguyên liệu sản xuất đồ nhựa. Các nhà khoa học cảnh báo, những chất tồn lưu trong nhựa không hề mất đi trong quá trình sản xuất.

Nhựa tái chế để làm... tuốt tuột

 

Tại xã Minh Khai, Như Quỳnh, Hưng Yên (tên thường gọi là làng Khoai), sự hiện diện của công việc làng nghề nhựa đầy rẫy từ tấm biển chỉ đầu làng cho đến ra tận cánh đồng. Ở đây, có đến hơn chục nhà máy chuyên chế biến hạt nhựa có quy mô lớn, còn lại là những doanh nghiệp tư nhân. Gần như 100% các hộ dân ở đây sống bằng nghề sản xuất nhựa.

 

Dọc cánh đồng trước làng Khoai, đâu đâu cũng là rác nhựa phế thải - nguyên liệu đầu vào để chế biến thành phẩm từ những chiếc túi nilon đựng rau, thịt cho đến thùng phuy chứa hóa chất, chai, lọ nhựa đựng dầu ăn, mắm... Mùi thối của thức ăn, rau, thậm chí cả đoạn lòng mề, có khi là con chuột chết... bọc trong những chiếc túi nilon bốc lên nồng nặc.

 

Bẩn như đồ nhựa tái chế - 1

Sau khi phân loại, những chiếc túi sẽ được rửa qua 2 lần nước rồi đem tái chế thành nhiều vật dụng, trong đó có cả đồ đựng thực phẩm

Những công nhân ở đây vẫn phải dùng tay nhặt sạch những chiếc túi rồi vứt vào chỗ phân loại. Mỗi lần túi vứt vào, đám ruồi, nhặng là bay túa lên, phát ra những âm thanh vo ve...

 

Chị Lan, công nhân ở đây cho biết, những túi nilon này sẽ được rửa qua 1- 2 nước cho hết tạp chất, sau đó là cho vào cán nhựa. Thông thường, người ta sẽ phân ra khoảng 4-5 màu: đen, trắng trong, vàng, đỏ, xanh. Nếu nhặt càng kỹ, sau này, khi đưa vào cán nhựa, hạt nhựa sẽ càng giữ được màu chứ không phải thêm phẩm màu.

 

Đi sâu vào trong làng, trong vai những người đi tìm mua nguyên liệu sản xuất đồ đựng thực phẩm, tại quán nước giữa làng, anh thanh niên tên Hùng nhanh nhảu: “Nếu tìm đồ đựng thực phẩm thì phải tìm hàng PE, nhưng nói thực, chẳng có đâu loại tinh khiết vì cả làng này làm nhựa tái chế. Giá hàng đắt thế này, làm hàng nguyên chất để mà ăn cháo à”.

 

Thấy chúng tôi có vẻ thắc mắc, Hùng bật mí, thường thì ở đây các nhà hay độn đá dăm (dân trong nghề gọi là trộn cátmi) để làm nặng hàng. Còn về nguồn gốc nguyên liệu thì cứ miễn là nilon có thể tái chế là được, bất kể trước đó nó đựng cái gì. Theo người dân làng nghề, dưới tác động của nhiệt, chẳng có gì còn tồn tại được.

 

Những người trực tiếp sản xuất trong làng cũng nói, chẳng cần phải qua công đoạn xử lý những dư lượng hóa chất hay thực phẩm bám dính vào đồ phế liệu trước đó.

 

Ông Đinh Văn Cơ, chủ một cơ sở sản xuất nhựa tái chế khi biết chúng tôi muốn tìm nguyên liệu nhựa để đựng đồ thực phẩm, dặn kỹ: "Cần xem hàng cẩn thận nhé, nếu không có nghề thì phải có chỗ quen biết vì nhiều nhà họ có bí quyết công nghệ cao lắm, rác thối, rác hỏng cho vào cán nếu có mùi cũng sẽ được tẩy bay sạch bằng hóa chất khử mùi. Hóa chất này như thế nào thì không ai biết cả, vì ai cũng muốn giữ bí mật nghề".

 

Lẽ ra chỉ được làm thùng rác, biển chỉ dẫn...

 

Đến làng chuyên đồ phế thải Triều Khúc, chúng tôi tìm vào cơ sở sản xuất hạt nhựa theo người dân là lớn nhất tại đây, cơ sở Chung Thuần.

 

Sau lần cửa sắt khép kín, một nhà lớn chứa toàn hàng trăm bao tải lớn nhỏ những chai, lọ nhựa phế thải. Ấn tượng nhất tại đây là mùi dầu nhớt và xăng. Nhìn qua thùng nước rửa, mặc dù đã là nước hai nhưng ván cặn dầu vẫn nổi lên đặc quánh. Vốc hạt nhựa xay lổn nhổn dính dầu, mùi hăng hắc.

 

Bẩn như đồ nhựa tái chế - 2

Những chai dầu nhờn độc hại cũng được nghiền và chế thành nhiều loại đồ dùng bằng nhựa

Với hàng nguyên liệu là các dụng cụ y tế, công nghệ phải xử lý là: bơm tiêm bắt buộc phải tháo bỏ cao su trong pittông; dây truyền dịch phải tháo đầu nhựa; bình nhựa truyền phải bóc tem, phân loại nắp riêng, bình riêng.

 

Những người thợ học việc không có bất cứ thứ dụng cụ bảo hộ nào ngồi hí hoáy bóc cho hết cao su, tem nhựa của mỗi loại chai lọ. Có những dây truyền dịch vẫn còn dính máu, khô kít lại nhưng đều không cần rửa. Tất cả sau đó được úp một mẻ vào máy và chỉ dăm mười phút sau sẽ cho ra nhựa nghiền. Sau đó mới tẩy uế bằng cách rửa xà phòng, phơi khô và đóng bao để xuất.

 

Chủ cơ sở tên Chung cho biết, nhựa ở đây chỉ rửa qua loa, sau đó xay nhỏ. Anh không quan tâm, nhựa còn chứa chất gì, mùi vị ra sao bởi “Họ mua thì tôi bán, còn dùng làm gì, tôi chịu”.

 

Vẫn như những gì chúng tôi nhận được từ làng Khoai, anh Chung khẳng định: “Làm gì có nhựa nguyên chất, toàn hàng tái chế thôi”.

 

Đem những điều mắt thấy tai nghe hỏi PGS.TS Nguyễn Hữu Hoan, Trung tâm phân tích và xử lý môi trường, Viện Hóa học Công nghiệp, ông khẳng định: những loại nhựa được sản xuất từ nguyên liệu tái chế chỉ có thể sử dụng làm thùng đựng rác, biển báo, biển chỉ dẫn, ống thoát nước thải... Còn để làm đồ nhựa đựng thực phẩm phải có chứng nhận tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm.

 

Về nguyên lý khoa học, những hóa chất vẫn còn tồn lưu trong nhựa và sẽ hòa tan khi đựng thức ăn, nhất là thức ăn dạng dung dịch (mắm, tương, dấm...) và thức ăn nóng. Việc tùy tiện sử dụng các loại nhựa cho tất cả các mục đích là rất nguy hiểm và tôi khẳng định, họ đang làm láo. Những đồ nhựa này được sản xuất để đựng thức ăn chắc chắn sẽ rất nguy hiểm cho sức khoẻ người dân.

 

Theo Thu Ba

Bee