Bạn có biết cách dùng thuốc súc họng?

Việc dùng nước súc họng không những có tác dụng hỗ trợ tốt trong điều trị mà còn để phòng, chống các bệnh tại miệng, họng như viêm họng, viêm amidan cấp và mạn... Vậy dùng thuốc súc họng như thế nào cho hiệu quả?

Các thuốc súc họng thường dùng như: Bột BBM (gồm Natri Borat, Natri Bicarbonnat và menthol) gói 1g, pha với nước ấm (khoảng 200ml), chỉ pha ngay khi dùng vì nếu để lâu menthol sẽ bị thăng hoa. Dung dịch givalex, là một chế phẩm được chỉ định rộng rãi trong viêm họng, viêm quanh răng, có tác dụng sát khuẩn rất tốt và chống phù nề. Trong thành phần của dung dịch có menthol nên khi sử dụng nên pha loãng 1/10 để tránh gây tổn thương niêm mạc họng. Nên pha với nước ấm để tăng thêm hiệu quả của nước súc miệng.

Nước muối cũng là một trong những nước dùng để súc miệng, họng. Có thể dùng muối ăn (NaCl) pha với nước (độ mặn tương đương nước canh mà chúng ta ăn hàng ngày). Tốt nhất là dùng nước muối 0,9% (mua trong các nhà thuốc) là phù hợp nhất. Không nên dùng nước muối quá mặn sẽ gây tổn thương cho tế bào nhưng cũng không nên quá nhạt vì sẽ ít tác dụng sát khuẩn.

Cách súc họng: Ngậm một ngụm nước hay dung dịch súc họng, ngửa cổ, há miệng kêu khà…khà…khà…sau đó ngậm miệng nghỉ một lát, làm như vậy vài ba lần rồi nhổ đi. Không nên ngậm nước súc họng vào rồi nhổ ra ngay, nên cố gắng ngậm lâu tối đa, súc vài lần, mỗi lần vài ba ngụm không chỉ có tác dụng làm sạch các nhày, mủ (nếu có) trong họng mà đảm bảo tác dụng sát khuẩn tốt. Tuy nhiên có một số thuốc sử dụng với thời gian ngắn hơn, ví dụ listerin chỉ ngậm trong miệng trong 30 giây ngay sau khi đánh răng.

Bạn có biết cách dùng thuốc súc họng? - 1

Cần lưu ý, các thuốc súc họng thường được sử dụng sau khi đánh răng để thuốc có tác dụng lâu dài hơn ở niêm mạc họng. Mỗi ngày nên thực hiện súc miệng, họng từ một đến ba lần. Thuốc súc họng thường được sử dụng dưới 10 ngày trừ nước muối. Nếu sử dụng kéo dài cũng gây nên tình trạng mất cân bằng sinh thái của lớp thảm vi khuẩn tại họng và gây ra một số bệnh như nấm họng, viêm loét họng, mất sức đề kháng vùng họng và càng tạo điều kiện cho vi khuẩn gây bệnh.

Thuốc súc họng cũng có thể gây nhiều tác dụng phụ. Những tác dụng không mong muốn của thuốc có thể gặp là phát ban, ngứa họng và miệng, phồng rộp môi, mặt đỏ, toát mồ hôi thậm chí có thể sốc phản vệ và tử vong. Nếu gặp bất cứ dấu hiệu bất thường nào, cần ngừng dùng và được xử trí y tế kịp thời (khi cần thiết).

Theo BS Nguyễn Bích Ngọc

Sức khoẻ & Đời sống

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm